Diễn biến dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Ảnh minh họa: Reuters/ Người Lao động

Được biết, mặc dù nhiều quốc gia châu Âu đã và đang nới lỏng hơn nữa các hạn chế của mình, song số ca nhiễm mới trên thế giới vẫn đang tăng cao, đặc biệt là ở Mỹ Latinh, với Brazil chứng kiến hơn 50.000 người tử vong do đại dịch.

“Đại dịch vẫn đang gia tăng. Chúng tôi biết rằng đại dịch còn hơn một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Đó là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội ở nhiều quốc gia và cũng là khủng hoảng chính trị”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ trong diễn đàn sức khỏe trực tuyến do Dubai tổ chức tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất.

Theo Tổng Giám đốc Tedros, mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới không phải là một đại dịch hiện đã cướp đi mạng sống của hơn 465.000 người và lây nhiễm cho gần 9 triệu người, vấn đề ở chỗ “thiếu sự đoàn kết và lãnh đạo toàn cầu”.

“Chúng ta không thể đánh bại đại dịch bằng một thế giới đang bị chia rẽ. Chính trị hóa đại dịch đã làm trầm trọng thêm vấn đề này”, ông Tedros nhấn mạnh.

Brazil rơi vào tình trạng này khi Tổng thống Jair Bolsonaro so sánh đại dịch như “một trận cúm nhỏ” và cho rằng tác động kinh tế của những biện pháp hạn chế thường tội tệ hơn tác động của đại dịch gây nên.

Đến nay, Brazil đang là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 2, chỉ sau Mỹ. Có thể nói, sự lây lan của đại dịch đang gia tăng trên khắp khu vực Mỹ Latinh, trong đó Mexico, Peru và Chile cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi số người tử vong tăng vọt và các cơ sở chăm sóc sức khỏe chịu áp lực nặng đến mức có thể sụp đổ. Cũng có nhiều lo ngại về đợt dịch thứ hai khi người Australia được cảnh báo nên hạn chế đến Melbourne bởi tiểu bang Victoria đã ghi nhận hơn 110 ca dương tính mới vào tuần qua.

Trung Quốc, Đức và Nhật Bản cũng đang chiến đấu với những đợt bùng phát mới...

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)