Nghệ nhân Nguyễn Viết Nam, làng nghề đệm bàng Phò Trạch bên sản phẩm truyền thống- túi đựng trái thanh trà bằng chất liệu cỏ bàng

Huế là vùng đất có chiều sâu văn hóa và nhiều làng nghề truyền thống mang tính đặc trưng, trong đó có nhiều sản phẩm TCMN nổi tiếng trong nước và quốc tế với diện mạo riêng, độc đáo. Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm TCMN Huế, tạo thương hiệu có tính tập thể, tính hệ thống, nổi bật, khẳng định thế mạnh của địa phương, Sở Công thương có chiến lược phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, trong đó thường xuyên tổ chức các hội thi thiết kế sản phẩm TCMN, hàng lưu niệm và quà tặng (LN & QT) nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm TCMN Huế, đặc biệt là các sản phẩm LN & QT phục vụ khách du lịch.

Qua 3 lần tổ chức hội thi thiết kế sản phẩm TCMN, hàng LN & QT vào năm 2008, 2010 và 2014, đến nay, bộ sưu tập hàng LN & QT “made in Huế” khá phong phú và có nhiều thiết kế ấn tượng, độc đáo được thị trường đón nhận, như: sản phẩm đèn xếp giấy tranh dân gian làng Sình của tác giả Nguyễn Văn Đủ, bộ sản phẩm các loại diều Huế của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng, sản phẩm đèn lục bình trang trí của HTX Mây tre đan Bao La, áo dài Huế của Đặng Viết Bảo… Tuy nhiên, số lượng thiết kế mang bản sắc văn hóa Huế và đáp ứng các tiêu chí làm hàng LN & QT chưa nhiều và chưa thu hút khách.

Chuẩn bị cho Festival Huế 2020 và tiếp tục tạo ra những thiết kế sản phẩm TCMN có tính sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, đặc biệt những thiết kế sản phẩm có khả năng trở thành sản phẩm QT & LN phục vụ du lịch, tháng 5/2020, Sở Công thương tiếp tục tổ chức hội thi thiết kế sản phẩm TCMN. Hội thi tạo cơ hội cho các cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn tỉnh phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm TCMN, đồng thời, thông qua các sản phẩm TCMN để quảng bá, truyền tải thông tin về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của vùng đất Cố đô Huế.

Theo Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La Võ Văn Dinh, sau khi Sở Công thương phát động hội thi, HTX đã huy động các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia thiết kế mẫu, tạo nhiều mẫu mây tre đan mới, độc đáo và mang tính thẩm mỹ cao để tham gia với mong muốn khẳng định thương hiệu và quảng bá sản phẩm làng nghề để thu hút khách.

Với 4 tiêu chí (tính văn hóa, tính khả thi, tính sáng tạo - độc đáo và tính thẩm mỹ), hội thi dành cho tất cả các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác và giới tính. Các sản phẩm tham gia hội thi phải mang đặc trưng văn hóa Huế, ưu tiên sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường và nguyên liệu tại địa phương; thiết kế sản phẩm có khả năng phát triển thành hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, kết hợp hài hòa giữa thủ công truyền thống và công nghệ, thiết bị tiên tiến để thuận tiện cho việc đóng gói và vận chuyển.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Lương Bảy cho rằng, hội thi thiết kế sản phẩm TCMN nhằm khơi dậy tiềm lực sáng tạo của nghệ nhân, cá nhân, các tổ chức nghề nghiệp liên quan..., qua đó đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm TCMN, tìm sản phẩm mới có giá trị nghệ thuật, kinh tế để nhân rộng, phục vụ cho quá trình phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, quà tặng, hàng lưu niệm.

Ông Bảy cho biết, sản phẩm tham gia hội thi phù hợp với tính chất hàng lưu niệm và quà tặng, có giá thành hợp lý, đồng thời phải chuyển tải những giá trị văn hóa địa phương vào bên trong sản phẩm thông qua hình thức mới, cách thức thể hiện mới. Trong đó, giá trị giải thưởng chiếm trên 50 triệu đồng.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG