Người dân lấy nước sinh hoạt từ khe tại thôn 7 (xã Thượng Long)

“Khát” nước sinh hoạt

Mỗi ngày, gia đình chị Hồ Thị Hải Hường (thôn 3, xã Thượng Nhật) phải tốn khoảng 30 nghìn đồng chi phí xăng xe để đi lấy nước tại thôn 1 cùng xã. Gia đình đông người, nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn, mỗi chuyến chỉ chở được 40 lít nước nên những hôm nắng nóng cao điểm, gia đình chị Hường phải chở hơn 10 chuyến mới đủ sử dụng.

“Ở xã có hệ thống nước tự chảy, nhưng vào mùa khô nguồn nước thiếu hụt cộng với nhu cầu nước tưới nông nghiệp của người dân tăng mạnh nên hệ thống không hoạt động. Bà con ở đây luôn mong chờ có hệ thống nước sạch để không còn thiếu nước sinh hoạt”, chị Hường bày tỏ.

Ở gần đó, hộ của bà Trần Thị Tồ còn gặp khó khăn hơn khi gia đình neo người, sức già như bà khó có thể chở nước từ xa về nhà dùng. Để “chữa cháy”, bà phải thuê người chở nước, kết hợp hứng nước mưa, nhưng phải tiết kiệm từng chút một do kinh tế eo hẹp. Theo bà Tồ, nguồn nước tự chảy khi có để sử dụng cũng không đảm bảo chất lượng, có màu đục nên gia đình chỉ dùng để rửa chén bát…

Ông Hoàng Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, cả 7 thôn của xã đều lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô (kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8); ngay cả hệ thống nước tự chảy có hoạt động cũng chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của người dân. Đến nay, tiêu chí nước sạch vẫn là “rào cản” trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã.

Bà Trần Thị Tồ trữ nước mưa để sử dụng cho việc nấu ăn

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Đông, đây là tình trạng chung của khu vực 5 xã vùng cao huyện (Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Quảng). Người dân tại đây vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch mà đang sử dụng nguồn nước tự chảy hoặc lấy từ khe suối và giếng đào, chưa qua xử lý thường bị nhiễm chua, phèn. Các công trình cấp nước tự chảy được xây dựng trước năm 2005, hầu hết đã hư hỏng, xuống cấp và hoạt động kém hiệu quả. Trong đó, xã Thượng Long có 3 công trình; xã Hương Hữu có 1 công trình; Thượng Nhật có 3 công trình. Riêng xã Hương Giang và xã Thượng Quảng, người dân chủ yếu vẫn sử dụng nước ngầm, khe suối để sinh hoạt...

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, tình trạng thiếu nước sạch đã diễn ra tại 5 xã vùng cao đã diễn ra nhiều năm nay. Việc người dân sử dụng nguồn nước suối, ao hồ không hợp vệ sinh có nguy cơ mắc nhiều bệnh về da và đường tiêu hóa, chất lượng sống bị giảm sút.

Sẽ triển khai dự án trong tháng 7

Tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ với huyện Nam Đông về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cuối tháng 5 vừa qua, vấn đề chậm triển khai xây dựng Nhà máy nước Thượng Long được đặc biệt quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Nam Đông cùng các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan sớm tháo gỡ khó khăn và triển khai để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Bí thư huyện ủy Nam Đông Lê Thị Thu Hương cho biết, các vướng mắc còn tồn tại của 11 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án Nhà máy nước Thượng Long đã giải quyết xong. Đến nay, khâu giải phóng mặt bằng đã hoàn thành và bàn giao cho Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế để sớm xây dựng nhà máy.

Theo công văn của UBND tỉnh, nhà máy nước sẽ được khởi công trong tháng 7 năm nay. Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nam Đông lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Sau khi dự án hoàn thành, tình trạng thiếu nước sạch của 5 xã vùng trên sẽ được giải quyết triệt để, giúp bà con tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, hạn chế dịch bệnh.

Bài, ảnh: Minh Nguyên