Hiện vật mạo danh tâm linh được rao tặng trên mạng

Những món trang sức rẻ tiền 

Đúng như lời hẹn của những người tự xưng là quý thầy chùa Đ.S đăng trên facebook, sau khoảng một tuần, người đưa hàng (shipper) đã liên hệ để đến nhận cái hộp giấy nhỏ bằng nửa bàn tay, gói gém cẩu thả. Bên trong là một túi vải lưới nhỏ màu đỏ, đựng một chiếc nhẫn và một vòng đeo tay bằng gỗ.

Người viết đã mang chiếc nhẫn và vòng gỗ kiểm chứng ở nhiều người sành chơi và đều nhận được lời khẳng định: Đây chỉ là những món trang sức rẻ tiền.

Để thực nghiệm, người viết đã dùng một chiếc dao sắc cạo mạnh làm bong tróc lớp kim loại màu bạc bên ngoài chiếc nhẫn, để lộ ra bên trong là gang đen xám, còn chiếc vòng gỗ sau khi ngâm nước ít giờ đồng hồ thì gỗ đi đường gỗ, sơn đi đường sơn còn mùi hương thì đã “cao chạy xa bay”.

Một điều nguy hại, những đồ vật trên hoàn toàn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có thông tin các thành phần của sản phẩm... có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Các thầy chùa Đ.S  không có thật

Trước đó, người viết nhận được một cuộc điện thoại di động đầu số 0905xxxxxx với giọng của một người phụ nữ xưng là nhân viên tổng đài giao nhận hàng tại Hà Nội báo rằng, có một đơn hàng từ một người (xin được giấu tên) tại Hà Nội với một “chiếc nhẫn kinh phật” và một “vòng đeo tay huyết long” với trị giá đơn hàng 140 nghìn đồng. Người viết cố tình hỏi địa chỉ phía giao hàng thì “cơ sở giao hàng” chỉ trả lời quanh co và liên tục thúc ép, đề nghị xác định nhận hàng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh.

Câu chuyện trên cho thấy, hoàn toàn là một chiêu thức lừa đảo của một nhóm người tại tỉnh, thành khác đã lợi dụng lòng tin, nhất là những người sùng bái tâm linh để tự xưng là tăng ni Phật giáo, lừa bán các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với chiêu trò “tặng miễn phí” nhưng thực chất là có thu tiền với số tiền cao hơn giá trị thật của các loại hàng hóa này, bằng cách thông qua bưu điện, hệ thống chuyển phát nhanh thu hộ. Với 140 nghìn đồng cho 2 thứ đồ chơi với nhiều người không chỉ là vấn đề về kinh tế, nghiêm trọng hơn, các đối tượng đã cố tình tạo ra danh xưng giả là tăng ni, ngụy tạo cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn Thừa Thiên Huế trên mạng xã hội để lừa đảo đã làm ảnh hưởng đến uy tín của một tôn giáo lớn.

Hiện nay, trên mạng xã hội facebook tràn lan những nhóm, fanpage lấy danh nghĩa của một số tăng ni và cơ sở Phật giáo nổi tiếng như Thượng tọa T.N.T, chùa ABC,... với các hoạt động như trao tặng kinh Phật, tặng vòng, nhẫn... miễn phí, bói toán,... làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến đời sống tâm linh và sinh hoạt của tín đồ và người dân. Thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cần có kiến nghị, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: HOÀI ANH