Cây thị ở nhà thờ phái Thân Văn làng Dương Xuân Hạ - Ảnh: Thân Trọng Ninh

Cây di sản được xác định là cây gỗ hoặc cây thân gỗ, có một trong những giá trị đặc biệt về thẩm mỹ, cảnh quan, môi trường, văn hoá, lịch sử, khoa học… Theo đó, nếu là cây tự nhiên phải có tuổi thọ 200 năm trở lên; cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa, cây si; có hình dáng đặc sắc; đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hoá, lịch sử. Nếu là cây trồng phải trên 100 năm tuổi; cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 20m, chu vi trên 10m, đối với cây đa, si; đặc biệt ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử (chu vi cây đơn thân đo cách mặt đất 1,3m, chu vi cây có bạnh vè đo trên bạnh vè 20cm, chu vi các loài đa, si đo cả chu vi các rễ phụ). Các loại cây khác không đạt các tiêu chí kể trên nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, hoặc lịch sử, hoặc văn hoá, mỹ quan. Các loại cây cảnh độc đáo cũng được vinh danh cây di sản.

Trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 5/10, lần đầu tiên VACNE đã tổ chức lễ công nhận Cây di sản Việt Nam cho 9 cây muỗm 700 tuổi ở Đền Voi Phục, Thụy Khuê, bên cạnh Hồ Tây.
 
Cây di sản đầu tiên ở Huế được vinh danh là cây thị ở trước sân nhà thờ phái Thân Văn làng Dương Xuân Hạ, phường Thủy Xuân.
       
Cây thị này có xuất xứ từ làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, TP Huế. Ngài Thân Văn Thẩm (1671-1758), Thủy Tổ phái Thân Văn Dương Xuân Hạ đem về trồng vào năm 1698 để làm mốc địa giới cho hậu duệ; đồng thời đánh dấu mốc thời gian phái họ Thân của ngài định cư và phát triển từ đây.
 
Theo gia phả phái Thân Văn làng Dương Xuân Hạ, ngài Thân Văn Thẩm đã trồng cây thị này vào năm 27 tuổi, khi còn làm giáo học tại Nguyệt Biều. Như vậy, cho đến nay cây thị đã sống 312 năm. Cây thị cao 25m; thân cây tại tọa độ cao cách mặt đất 1,3m có chu vi 4,2m, đường kính 1,4m; chu vi bạnh vè hơn 10m. Hiện tại cây vẫn phát triển xanh tốt, tháng 5 ra hoa, mùa hè ra trái. Lõi của cây thị có một phần nhỏ bị thối rỗng, vì bị một mảnh bom găm vào hồi Tết Mậu Thân - 1968, làm chồi chính của cây bị hư hại. Sau 30 năm, cây dần dần phục hồi, các cành lá xum xuê xanh tốt như ngày nay. Cây thị gắn liền với sự phát triển của dòng họ Thân Văn ở địa phương cho nên được các thế hệ con cháu bảo quản, giữ gìn, tôn vinh. Một bia ký đã được dựng ở gốc cây vào ngày 12/3/2009 (ngày 16/02 Kỷ Sửu), nhằm ngày tảo mộ hằng năm của phái Thân Văn.
 
Lễ vinh danh Cây di sản cho cây thị ở nhà thờ phái Thân Văn sẽ tổ chức vào ngày 5/11. Tại lễ vinh danh VACNE sẽ gắn bia Cây di sản. Bia làm bằng đá kim sa đen, khắc chữ chìm in nhũ vàng.
 
Thanh Tùng