Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ Hồ Thắng

Để hiểu rõ hơn về bước tiến của KH&CN thời gian qua và những giải pháp sắp tới nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế trong tương lai, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN.

Bàn về KH&CN, Thừa Thiên Huế có những lợi thế gì? Chúng ta đã “biến” được tiềm năng đó thành động lực phát triển kinh tế hay chưa, thưa ông?

Chúng ta đang có một nền tảng khá tốt, đó là hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành Trung ương đã được thành lập trên địa bàn tỉnh…

Hệ thống các trung tâm hoạt động KH&CN tiên tiến được thành lập và nâng cấp phát triển như, Bệnh viện Quốc tế, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Nội soi tiêu hóa, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh,…

Bên cạnh 27 tổ chức KH&CN đang hoạt động trên địa bàn, ngành đã vận động thành lập mới 3 doanh nghiệp KH&CN và định hướng đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới.

Thừa Thiên Huế có đội ngũ tri thức mạnh, có chuyên ngành đào tạo đa dạng. Số lượng trí thức có học hàm, học vị trên địa bàn xếp thứ ba trên toàn quốc.

Từ nền tảng đó, các tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã được áp dụng vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã tích cực hơn tham gia hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu - triển khai, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo đo lường, chất lượng, tiếp cận thông tin sáng chế, phát triển tài sản trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phát triển ở Thừa Thiên Huế

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) của tỉnh đặc biệt được chú trọng. Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh (HueCIT) trở thành thành viên của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung...

Ông vừa nhắc đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực tế, hoạt động này tại Thừa Thiên Huế đã tạo ra những hiệu ứng tốt, song vẫn chưa xuất hiện nhiều trường hợp khởi nghiệp có tầm vóc mà chỉ dừng lại ở các mô hình dạng nhỏ và vừa? Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ngay khi Bộ KH&CN triển khai Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay, đã đạt được nhiều kết quả như: tổ chức thành công các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh hằng năm; ngày hội, diễn đàn khởi nghiệp, hình thành được một số vườn ươm khởi nghiệp, nâng cao tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.

Tôi không nghĩ khởi nghiệp tại Huế chỉ dừng lại ở mô hình nhỏ, bởi hoạt động này của tỉnh đã được Bộ KH&CN đánh giá là một trong những tỉnh phát triển mạnh về khởi nghiệp trong cả nước. Qua 3 năm tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, đã nhiều hồ sơ đạt giải cao tại cuộc thi khởi nghiệp vùng Bắc Trung bộ; 4 doanh nghiệp, nhóm cá nhân đạt giải thưởng cuộc thi Vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, có doanh nghiệp khởi nghiệp thành công đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ và EU.

Vậy, tỉnh đã và sẽ có những chính sách hỗ trợ gì cho hoạt động khởi nghiệp?

Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh trong mối quan hệ gắn kết với Đề án Cố đô khởi nghiệp. Gắn hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với khởi sự kinh doanh, những ý tưởng khởi sự kinh doanh có tiềm năng được lựa chọn cần được áp dụng các chính sách hỗ trợ như các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tỉnh đã có các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Theo đó, triển khai đồng bộ những chính sách hỗ trợ mặt bằng, hỗ trợ tín dụng thông qua tín chấp, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, lãi suất cho vay; hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường... Xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo cho các nhà đầu tư mạo hiểm có môi trường kinh doanh an toàn và hợp pháp, có quy định khuyến khích thành lập các công ty đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có chính sách miễn, giảm thuế đối với hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hiện, nhiều sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Huế vẫn chưa được bảo hộ. Lý do vì sao và sở có giải pháp gì để sớm hoàn thiện vấn đề này?

Việc một sản phẩm được bảo hộ thương hiệu phải trải quá một quá trình với những yêu cầu nghiêm ngặt.

Việc ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn sản phẩm chủ lực và khung giải pháp hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực trên địa bàn là một trong những cơ sở để các ngành, các cấp có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh. Một số sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Huế đang được khẩn trương tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu như, dầu tràm Huế, thanh trà Huế; Huế - Kinh đô ẩm thực, Bún Bò Huế, điểm đến du lịch “Hương Xưa làng cổ Phước tích” và các nhãn hiệu tập thể như Sen Huế, Huế - kinh đô áo dài…

Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN mới đây, định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của cả nước được đưa ra. Vậy, đặc trưng của Thừa Thiên Huế là gì so với các trung tâm KH&CN lớn của cả nước, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng? Ông có thể cho biết cụ thể những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu đó?

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm KH&CN không thể tách rời trung tâm GD&ĐT và y tế chuyên sâu và các tổ chức KHCN; phát triển tiềm lực KH&CN phải gắn với phát triển tiềm lực của Đại học Huế và Bệnh viện TW Huế. Phát triển KH&CN theo cơ chế thị trường.

Như tôi nêu, Huế đang có nhiều sản phẩm chủ lực mang tính đặc trưng. Ứng dụng KH&CN trong việc phát triển những sản phẩm đó sẽ tạo ra những sản phẩm khác biệt.

Bây giờ phải đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; các công trình nghiên cứu, phấn đấu có các sản phẩm khoa học và công nghệ mang tầm khu vực; ưu tiên hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, năng động sáng tạo. Tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN…

Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước và ban hành một số chính sách đặc thù, thiết thực hỗ trợ KH&CN.

Thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tranh thủ tối đa để thu hút các cơ sở nghiên cứu của Trung ương đặt chi nhánh tại địa phương. Tăng cường quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…

Xin cảm ơn ông!

LÊ THỌ (thực hiện)