Đang có khoảng 30% lao động trong ngành du lịch nghỉ việc không lương mong chờ được nhận tiền hỗ trợ
Tạm ngừng chi trả
Theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, theo đó, lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương sẽ được hưởng hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng.
Qua tìm hiểu, do ảnh hưởng của dịch bệnh, có 3 trường hợp xảy ra với nguồn lao động trong ngành du lịch. Thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp du lịch chỉ giữ lại các lao động chủ chốt và giảm lương; thứ hai chiếm đa số là lao động nghỉ việc và làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp; còn lại trường hợp thứ ba, những lao động chưa đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp, hoặc những lao động chỉ muốn nghỉ không lương để sau này tiếp tục quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp sẽ tiến hành làm các thủ tục để nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Qua khảo sát tại nhiều doanh nghiệp, con số này rơi vào khoảng 30% tổng số lao động.
Riêng tại Công ty CP Du lịch Hương Giang, trước đó đã tiến hành tổng hợp và có 61 lao động đủ các thủ tục để nhận hỗ trợ. Sau thời gian làm thủ tục, ngày 27/5, UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng cho 61 lao động trên. Nhưng đến ngày 4/6, công ty nhận được văn bản từ Sở Lao động, Thương bình và Xã hội yêu cầu thay đổi mẫu thẩm định điều kiện mới của Bộ Tài chính ban hành và thông báo tạm thời ngừng chỉ trả hỗ trợ theo quyết định vào ngày 27/5 của UBND tỉnh.
Theo mẫu thẩm định mới, lao động làm việc tại doanh nghiệp có thu nhập trong Qúy I, năm 2020 bằng 0 mới đươc nhận hỗ trợ
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cuối tháng 5/2020, mẫu thẩm định mới đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động được sử dụng để thay mẫu trước đó. Theo đó, mẫu thẩm định mới có 2 điều kiện mới phải bổ sung là lao động làm việc tại doanh nghiệp mà doanh thu của doanh nghiệp đó trong Quý I năm 2020 là bằng 0 và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong Quý I không lớn hơn 0. Với 2 yêu cầu thẩm định mới, bắt buộc phải tiến hành thẩm định lại toàn bộ hồ sơ đối với tất cả lao động trong ngành du lịch. Đây cũng là lý do mà dừng hỗ trợ cho lao động của Công ty CP Du lịch Hương Giang.
Đại diện Công ty CP Du lịch Hương Giang cho biết, khi có quyết định được hỗ trợ, các lao động ai cũng vui mừng. Với các lao động nghỉ việc không lương, công ty chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, nhưng dịch kéo dài nên các tháng sau đó không còn hỗ trợ nữa. Do đó, các lao động thật sự mong chờ nhận được hỗ trợ.
Tiếp tục đề xuất
Tại Khách sạn Century, có 64 lao động làm thủ tục để nhận hỗ trợ, đến nay, phía khách sạn này đang tiến hành kê khai lại theo theo mẫu thẩm định mới. Đại diện khách sạn cho biết, trong cả 2 điều kiện mới bổ sung sẽ rất khó để các lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Đặc biệt là điều kiện doanh thu của doanh nghiệp trong Quý I, năm 2020 bằng 0. Bởi trong tháng 1 và tháng 2/2020, ngành du lịch Huế vẫn đón khách bình thường, phải sang đến tháng 3/2020, dịch bệnh mới ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. Như thế, chắc chắn trong Qúy I, tất cả doanh nghiệp du lịch ở Huế đều có doanh thu.
Chị T.N.T.T, nhân viên buồng tại một khách sạn ở TP. Huế cho biết, từ khi nghỉ làm tại khách sạn, chị có chuyển sang bán hàng online, nhưng do mới bán, lượng khách ít, hàng lấy về không bán được, một số mặt hàng bị hư hỏng nên chị ngừng bán online. Thời gian qua, chị chuyển sang bóc hạt sen, song thu nhập cũng không đủ với chi phí sinh hoạt của gia đình.
Lao động là hướng dẫn viên được đề xuất vào nhóm lao động đặc thù, nhưng được nhận hỗ trợ hay không phải chờ
Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh cho biết, về lực lượng lao động từ các cơ sở lưu trú, có đến 89% tổng số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tương đương khoảng 6.300 lao động. Trong số đó, có khoảng 30 – 40% nghỉ việc không lương chờ được nhận hỗ trợ.
“Khi chứng minh được doanh nghiệp đã tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội cho lao động có nghĩa là giữa hai bên tạm hoãn hợp đồng và lao động không nhận được lương, thì có thể xem xét để lao động nhận hỗ trợ. Đúng là doanh nghiệp cần có trách nhiệm với lao động của mình, nhưng ngay chính bản thân doanh nghiệp không thể “gượng” dậy bởi dịch bệnh thì việc hỗ trợ từ Nhà nước là hết sức cần thiết”, ông Nguyễn Hữu Bình chia sẻ.
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhìn nhận, nếu không có sửa đổi điều kiện mà vẫn áp dụng như mẫu thẩm định sửa đổi vào cuối tháng 5/2020, sẽ rất khó để lao động nhận được hỗ trợ.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ngành đã có văn bản kiến nghị và tham mưu với lãnh đạo tỉnh và Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội về vướng mắc thực tế khi triển khai gói hỗ trợ, nhất là các điều kiện để nhận hỗ trợ của lao động nghỉ việc không lương. Hiện vẫn đang chờ văn bản tiếp theo của Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội. Riêng lao động là các hướng dẫn viên, ngành đã tham mưu đưa vào nhóm lao động đặc thù, song khả năng được nhận hỗ trợ hay không vẫn còn phải chờ.
Theo Sở Du lịch, ở lĩnh vực lưu trú có khoảng 6.228 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; ở lữ hành có 647 lao động bị ảnh hưởng; đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn có khoảng 879 lao động bị ảnh hưởng và có trên 1.000 hướng dẫn viên bởi dịch COVID-19. |
Bài, ảnh: Đức Quang