Tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Nam Đông

Điểm sáng Thuận Hòa

Nói đến Nam Đông, nhiều người không quên mô hình “tiếng kẻng khuyến học” ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Giang (nay là Hương Xuân). Cách nay chừng 12 năm, một cán bộ về hưu trong xã ra Nghệ An, thấy quê nhà có phong trào “kẻng khuyến học” rất hiệu quả nên đã học tập để đem vào áp dụng ở Thuận Hòa. Nhờ có mô hình “tiếng kẻng khuyến học” mà tình trạng trẻ em bỏ học để theo bố mẹ lên nương rẫy trồng ngô sắn, hoặc vào Nam làm ăn được hạn chế.

Nhằm duy trì sự học, không để con em phải bỏ học giữa chừng, chính quyền thôn Thuận Hòa đã lập ra ban “chăm lo sự nghiệp giáo dục” với mô hình “tiếng kẻng khuyến học”. Cứ vào tầm 7 giờ tối mỗi ngày (trừ mùa hè), cán bộ trong ban sẽ đánh một hồi kẻng để báo cho các em học sinh đến giờ học bài… Nhờ thế, các em ý thức được việc học, nhiều em có gia cảnh khó khăn cũng đã nỗ lực vươn lên học giỏi... Nhiều năm qua, ở Thuận Hòa nói riêng và Hương Xuân nói chung đã có rất nhiều em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học nhờ “tiếng kẻng khuyến học”.

Hương Giang trước đây nay là Hương Xuân là xã đầu tiên trong toàn tỉnh được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập cấp xã” khi từ năm 2017. Theo đó, đã có 60,42% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, ¾ thôn là Thuận Lộc, Phú Nhuận và Phú Thuận đạt loại tốt và thôn còn lại là Tây Linh đạt loại khá trong bầu chọn danh hiệu “Cộng đồng học tập thôn”. Các đơn vị học tập cấp cơ sở, như trường tiểu học và trường mầm non xã đều đạt danh hiệu “Đơn vị học tập cấp xã”.

Cách làm khuyến học hay

Nam Đông hiện có 10 tổ chức hội cấp xã (100% số xã, thị trấn), 99 chi hội và 14 ban khuyến học duy trì hoạt động tốt. Hướng về cơ sở và gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, trong 5 năm (2015 - 2019), Nam Đông phát triển 2.050 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 5.361 người, phát thẻ cho 2.407 hội viên.

Cũng trong 5 năm qua, Hội Khuyến học Nam Đông phối hợp tiếp nhận hỗ trợ của tổ chức và cá nhân hảo tâm, trích nguồn quỹ hội để tổ chức trao 5.574 suất học bổng và phần thưởng trị giá trên 1,8 tỷ đồng cho học sinh nghèo học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn; trao thưởng cho 332 lượt giáo viên và 1.211 học sinh tham gia các cuộc thi đạt giải với số tiền gần 550 triệu đồng; phát thưởng cho 426 học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng với số tiền gần 130 triệu đồng. Hội Khuyến học huyện còn phối kết hợp với tổ chức Đoàn và Hội Chữ thập đỏ huyện vận động quyên góp và tổ chức các bữa cơm miễn phí cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, là con em đồng bào dân tộc trong dịp thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học được được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đến cuối năm 2018, toàn huyện có 3.178 hộ được bầu chọn đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (chiếm 51,2% tổng số hộ); có 30% dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 80% thôn và tổ dân phố đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” và 92,5% đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. Đến nay, đã có 3 đơn vị được công nhận cộng đồng học tập cấp xã.

Đáng ghi nhận ở Nam Đông là khuyến học không đơn thuần là hoạt động quyên góp theo kiểu “làm việc thiện” mà còn đòi hỏi các tổ chức và cá nhân còn phải có kỹ năng nhất định. Công tác tập huấn nâng cao kiến thức luôn được lãnh đạo huyện quan tâm và các cấp hội chú trọng. Riêng năm 2017, Hội Khuyến học huyện Nam Đông phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội cho 92 cán bộ hội cơ sở.

Kinh nghiệm ở Nam Đông cho thấy, ngoài sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo và điều hành của chính quyền, có tổ chức bộ máy vững mạnh và đội ngũ có năng lực tâm huyết, không thể thiếu là việc liên kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

Bài, ảnh: HUẾ THU