Tiêm phòng cho trẻ

Tại Đắk Nông, ổ dịch bạch hầu được ghi nhận ngày 19/6 khi xuất hiện hai trường hợp trong cùng một thôn nhiễm bệnh. Mặc dù bệnh nhi 9 tuổi đã được chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, nhưng sau một ngày thì tử vong. Ngay khi phát hiện ổ dịch, ngành y tế địa phương đã khẩn trương tuyên truyền đến người dân không được chủ quan, phun thuốc khử khuẩn phòng dịch, lập đội chốt chặn phòng dịch, cách ly toàn bộ gia đình trong khu vực có ổ dịch. Đồng thời, khảo sát tiêm vaccin và cho uống thuốc phòng dịch đối với người từ 7 tuổi đến dưới 40 tuổi.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu rất dễ dàng từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Khởi đầu của bệnh thường có các biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau họng, nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cảm cúm thông thường.

Theo các chuyên gia y tế, biểu hiện đặc trưng của bạch hầu là tình trạng người mắc bệnh có mảng trắng trong vùng hầu họng. Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn, gồm các biểu hiện chính như: Ớn lạnh, chảy nước dãi, ho nhiều, sưng các tuyến ở cổ, khó thở, khó nuốt… Bệnh bạch hầu phổ biến nhất là bạch hầu họng. Ngoài ra, còn có bạch hầu thanh quản, bạch hầu mũi, bạch hầu mắt và bạch hầu da. Những trường hợp mắc bạch hầu ác tính, hai bên cổ của bệnh nhân sưng to, mặt lừ đừ. Những biến chứng nguy hiểm khác là suy thận cấp, viêm cơ tim, rối loạn nhịp thường khiến bệnh nhân đột ngột tử vong.

Tại địa bàn Thừa Thiên Huế, khoảng 10 năm trở lại đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành y tế và người dân chủ quan. Theo ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chỉ có thể dự phòng bệnh bạch hầu tốt nhất bằng cách tiêm vaccin đầy đủ. Hiện nay, nhiều bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh bạch hầu đã được triển khai theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc. Nhờ tỷ lệ tiêm chủng mở rộng của Thừa Thiên Huế đạt trên 97%, nên nhiều bệnh truyền nhiễm đã được khống chế, không bùng phát thành dịch.

“Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Nếu trẻ được tiêm phòng đầy đủ thì không có vấn đề gì phải lo lắng. Với tình hình của Thừa Thiên Huế hiện nay, biện pháp phòng bệnh tốt nhất mà chúng tôi thực hiện là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp, trong đó có bệnh bạch hầu và vận động người dân đưa trẻ tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, nếu ghi nhận xuất hiện ca bệnh thì tương tự như phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phải truy vết và xử lý đến cùng các yếu tố dịch tễ để có biện pháp phòng chống lây nhiễm một cách hiệu quả”, ông Hoàng Văn Đức nói thêm.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN