Tiểu phẩm tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình tại hội thi “Gia đình hạnh phúc” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức

Bạo lực vẫn âm ỉ

Kết hôn sau một thời gian dài tìm hiểu, vậy nhưng, hôn nhân của chị X.T (quê ở Hương Thủy) không hạnh phúc khi người chồng chị hết mực yêu thương là người gia trưởng, độc đoán và thô lỗ. Sau ngày kết hôn không lâu, chị T. trở thành nạn nhân của những trận đòn roi. Dẫu tự chủ về kinh tế nhưng chị T. vẫn bị chồng đối xử như người ăn bám, trở thành ô sin cho gia đình. Không chỉ bị chồng coi khinh, ghẻ lạnh, chị là nơi để anh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mỗi khi không vừa ý. Chưa kể, chị thường xuyên bị bạo lực tình dục khi người chồng có tư tưởng lệch lạc.

Không chịu nổi sự dày vò cả tinh thần lẫn thể xác, sau nhiều năm chịu đựng vì con, cuối cùng chị T. cũng dứt áo ra đi sau khi hoàn tất thủ tục ly dị. Chị trải lòng: “Người ta buồn khi ly hôn, còn tôi cảm giác như được giải phóng. Được sống tự do không đòn roi, không bị dày vò, tôi mới thấy quãng thời gian kết hôn như địa ngục. Bây giờ, nghĩ đến hôn nhân, tôi vẫn còn sợ”.

Phụ nữ phải chịu BLGĐ như chị T. không phải là hiếm. BLGĐ không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần của phụ nữ, trẻ em, của chính người gây ra bạo lực và thành viên khác trong gia đình, mà còn gây tổn hại về kinh tế và an ninh xã hội. Điều quan trọng là tác động trực tiếp đến trẻ em. Sau những năm tháng sống trong lo sợ khi chứng kiến cảnh mẹ bị hành hạ, con trai của chị T. đã mắc chứng tự kỷ.

Nhiều vụ việc nghiêm trọng hơn đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cách đây 3 năm, một vụ án mạng xảy ra tại xã Hương Giang (nay là Hương Xuân), huyện Nam Đông khiến nhiều người bàng hoàng. Cả hai vợ chồng anh H., chị L. đều là giáo viên. Vì ghen tuông, nghi ngờ vợ mình là chị L. có quan hệ tình cảm với người khác, H. đã siết cổ giết chết chị L., sau đó treo cổ tự sát.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, trong năm 2019, toàn tỉnh có 367 hộ có xảy ra BLGĐ với 370 vụ, gồm cả hình thức bạo lực tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi có thể thống kê được. Thực tế bạo lực vẫn âm ỉ diễn ra trong nhiều gia đình, phần lớn nạn nhân là phụ nữ.

Coi trọng vai trò của “nội tướng”

Nhận thức không đầy đủ về BLGĐ, bình đẳng giới là một trong những yếu tố gây nên nạn BLGĐ kéo dài trong gia đình, cộng đồng. Nhiều nam giới cho rằng, bạo lực là “đặc quyền” của đàn ông. Tình trạng thất nghiệp, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình; sự gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, sử dụng rượu, bia, ngoại tình… là những nguyên nhân gây BLGĐ. Phụ nữ, nạn nhân của bạo lực lại cam chịu, không dám lên tiếng bởi những quan niệm “xấu chàng hổ ai”, vô tình tiếp tay cho sự tái phạm của người chồng.

Hơn nữa, cộng đồng người dân còn tồn tại nhiều định kiến giới đến ăn sâu bám rễ, chưa nhận thức về bình đẳng giới, vẫn nặng tư tưởng “mỗi nhà mỗi cảnh”, “chuyện nhà ai nhà đấy lo” nên không kịp thời tố giác các hành vi vi phạm, can thiệp để bảo vệ quyền, lợi ích của người bị bạo lực.

Để ngăn chặn BLGĐ, công tác tuyên truyền cần được đào sâu để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, để mọi người hiểu và tự điều chỉnh hành vi, tránh vi phạm pháp luật. Thực tế, nhiều gia đình do không hiểu biết pháp luật nên cha, mẹ cho mình có quyền hành hạ con, chồng được quyền hành hạ vợ... Vai trò của truyền thông cần đi vào chiều sâu làm cho người dân hiểu thấu đáo hơn về những vấn đề cần giải quyết trong việc thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ BLGĐ...

Cùng với việc xử lý nghiêm để răn đe các hành vi vi phạm, ngăn chặn các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, việc triển khai có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử gia đình mà Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương thực hiện là một giải pháp khả thi để ngăn chặn BLGĐ. Công tác tuyên truyền, vận động cần được đổi mới, không chỉ dựa vào các CLB, các buổi sinh hoạt truyền thống như hiện nay mà phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động trong trường học để qua học sinh, giáo viên đưa công tác phòng chống BLGĐ đến từng hộ dân…

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đề án xây dựng văn hóa Huế, con người Huế mà Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh xây dựng cũng hướng đến mục tiêu giảm thiểu tình trạng BLGĐ. Việc phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình người Huế xưa, loại bỏ những yếu tố không phù hợp, kết hợp với những yếu tố mới của xã hội hiện đại sẽ góp phần xây dựng những mái ấm không bạo lực. Trong đó, xác định rõ vai trò của mỗi thành viên: ông bà, cha mẹ, con cái; coi trọng vai trò “nội tướng” của người phụ nữ trong gia đình. Lối sống của một gia đình văn hóa có nề nếp dựa trên những giá trị truyền thống tốt đẹp đến bây giờ vẫn còn phù hợp của “Tam cương – ngũ thường”, trên quan hệ vợ chồng: phu – phụ sẽ là nền tảng để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

 Bài, ảnh: MINH HIỀN