Thanh toán bằng mã QR đang phát triển nhanh chóng trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: TTXVN

Điều này cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ về các khoản thanh toán và dịch vụ tài chính mà chúng ta sử dụng hàng ngày, khi việc sử dụng tiền mặt và séc sụt giảm, nhiều hơn các quốc gia đang tích cực khuyến khích thanh toán không tiếp xúc, chẳng hạn như thông qua ngân hàng trên di động (mobile banking) để hoàn thành các giao dịch hàng ngày, đồng thời hạn chế sự tiếp xúc với các thiết bị dùng chung.

Các nhà bán lẻ và bán buôn trước đây yêu thích tiền mặt hơn, thì bây giờ đã ưu tiên sử dụng thẻ và thanh toán kỹ thuật số, trong khi người tiêu dùng ngày càng gia tăng mua sắm trực tuyến và thực hiện các giao dịch kỹ thuật số. Ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng ban đầu lắng xuống, chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều thương nhân tiếp tục ưu tiên hình thức thanh toán điện tử. Thanh toán theo thời gian thực và thanh toán kỹ thuật số (như thông qua ví di động (mobile wallet)) có khả năng xử lý rẻ hơn và nhanh hơn so với dùng thẻ.

Bên cạnh đó, các chính phủ cũng đang có sự chú ý, chẳng hạn như Chính phủ Singapore đã công bố các ưu đãi bổ sung dành cho những doanh nghiệp và nhà bán lẻ dịch vụ thực phẩm nhằm hỗ trợ thanh toán kỹ thuật số. Và xung quanh khu vực cũng đã có một số sáng kiến ​​hiện đại hóa việc thanh toán trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chẳng hạn như sự ra mắt của Nền tảng thanh toán bán lẻ thời gian thực (RPP) của Mạng thanh toán PayNet tại Malaysia hồi đầu năm 2019.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mục tiêu để các tổ chức tài chính tăng cường hoạt động thương mại và kinh doanh nội khối, liên quan đến chi phí và hiệu quả; điển hình là việc áp dụng Chuẩn tin điện tài chính Quốc tế ISO 20022 (hay tiêu chuẩn ISO 20022), vốn đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu dành cho các thanh toán giá trị cao và thanh toán theo thời gian thực khi nói đến các giao dịch xuyên biên giới.

Mặc dù các quốc gia Đông Nam Á khác nhau về cách tiếp cận theo quy định đối với việc áp dụng tiêu chuẩn này, nhưng chắc chắn có một số vấn đề cấp bách đó là, các tổ chức tài chính không sẵn sàng chuyển đổi sang ISO 20022 có thể bị loại khỏi các mạng lưới thanh toán và khả năng tương tác khu vực, đây cũng là những điều mà người tiêu dùng đang ngày càng mong đợi.

Cần thúc đẩy ISO 20022

Với hàng ngàn trường dữ liệu, cấu ​​trúc nhắn tin thanh toán ISO 20022 có nhiều dữ liệu hơn đáng kể so với các tiêu chuẩn trước đó. Điều này cho phép thông tin bổ sung được đính kèm vào tin nhắn thanh toán, giúp cải thiện hiệu quả thanh toán và tạo ra một sân chơi chung và bình đẳng, tạo điều kiện cho khả năng tương tác giữa các chương trình thanh toán thời gian thực khác nhau xuyên biên giới; sẽ mở ra cơ hội hợp nhất các hệ thống và giảm những chi phí liên quan, tạo ra các dịch vụ mới làm cầu nối cho những hệ thống thanh toán khác nhau trước đây.

Các lợi ích kết hợp giữa tốc độ, độ chính xác và hiệu quả của các tin nhắn thanh toán này sẽ mang lại trải nghiệm tổng thể tốt hơn cho khách hàng, đó là chìa khóa trong việc giúp các tổ chức tài chính này khác biệt so với đối tác của họ.

Để đảm bảo các tổ chức sẵn sàng nắm bắt các cơ hội chiến lược liên quan đến ISO 20022, cũng như sẵn sàng tham gia vào bất kỳ mạng lưới thanh toán khu vực nào, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm bắt đặc điểm của mỗi quốc gia. Các tổ chức tài chính và ngân hàng trên khắp Đông Nam Á sẽ cần hiểu những hoạt động khác nhau trong khu vực và đảm bảo việc áp dụng ISO 20022 của họ không bị tụt lại phía sau.

Theo một báo cáo gần đây của ACI Worldwide, thị trường Thái Lan được đánh giá là một cơ hội hoàn hảo đối với việc áp dụng thanh toán theo thời gian thực, bằng chứng là tốc độ mà người tiêu dùng Thái Lan sử dụng thanh toán theo thời gian thực thông qua các dịch vụ kỹ thuật số.

Đây là kết quả thành công đầu tiên của Kế hoạch Tổng thể các Dịch vụ Tài chính của Chính phủ Thái Lan về hiện đại hóa hoạt động thanh toán. Thái Lan cũng có thể thúc đẩy thanh toán theo thời gian thực hơn nữa bằng cách chuyển kế hoạch của mình sang định dạng nhắn tin thanh toán ISO 20022, bởi điều này sẽ cung cấp nhiều khả năng hơn và cải thiện khả năng tương tác. Tất cả đều cần thiết để tiếp tục quỹ đạo gia tăng của khối lượng các giao dịch.

Ngoài ra, Malaysia cũng đang trong quá trình bổ sung một nền tảng quản lý đồng thuận đối với các khoản nợ, khả năng chuyển khoản tín dụng, ứng dụng eKYC (xác thực khách hàng mà không cần gặp trực tiếp) và khả năng ghi nợ theo thời gian thực; bên cạnh thanh toán xuyên biên giới với các chương trình thanh toán của khu vực như PromptPay và NETS... và vẫn còn nhiều sự tăng trưởng chưa thành hiện thực ở Malaysia.

Bất kể ở đâu trong khu vực Đông Nam Á nơi các tổ chức tài chính hoạt động, việc tuân thủ những thời hạn khác nhau từ các cơ quan quản lý cần phải được cân bằng với nhu cầu để vạch ra một dòng thời gian trôi chảy, có kiểm soát và rủi ro thấp đối với việc chuyển đổi sang ISO 20022. Việc tích hợp vào các hệ thống phi ISO và lập kế hoạch phù hợp với quy tắc tiêu chuẩn của các tin nhắn thanh toán để cung cấp lộ trình cho các hoạt động thời gian thực đầy đủ cũng là các khía cạnh chính của hành trình chuyển đổi toàn diện. Theo ông Mark Looi, nếu thực hiện đúng điều này, quá trình chuyển đổi sang ISO 20022 có thể biến thành cơ hội kinh doanh, tạo ra môi trường thanh toán nhanh hơn và hỗ trợ các ngân hàng cạnh tranh hiệu quả hơn trong thập kỷ tới và xa hơn nữa.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Business Times)