Các nước ASEAN đang nỗ lực chiến đấu chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp. Ảnh minh họa: Tuoitre

Với mục đích đảm bảo không có sản phẩm thủy sản nào của IUU được tiêu thụ ở EU - thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới các sản phẩm thủy sản, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành các luật cứng rắn chống lại việc đánh bắt cá IUU vào năm 2010, trong đó xác định các sản phẩm thủy sản được nhập khẩu từ quốc gia xuất xứ. Tổ chức này chịu trách nhiệm cho các hoạt động của IUU trong phạm vi quyền hạn của mình và thường xuyên đưa ra danh sách các tàu IUU dựa trên thông tin được cung cấp bởi các Tổ chức Quản lý nghề cá khu vực (RFMOs).

Theo đó, các quốc gia coi thường việc đánh bắt cá IUU trước hết sẽ được thông báo và gán thẻ vàng. Nếu các quốc gia này không có tiến bộ nào sau thời gian giám sát sẽ bị gán thẻ đỏ, khi đó các sản phẩm thuỷ hải sản từ các nước này bị cấm vào EU. Trạng thái cuối cùng là danh sách đen, nghiêm cấm các sản phẩm thủy sản được đánh bắt bởi tất cả các tàu cá hoạt động dưới cờ của nước đó, đồng thời các công ty thủy sản của EU cũng bị cấm hoạt động tại các nước này.

Năm 2016, các quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhau tuyên chiến với các hoạt động đánh bắt cá IUU và cam kết tăng cường đánh bắt cá bền vững trong khu vực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản ASEAN, trong khi tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, IUU là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bền vững của nguồn lợi thủy sản và môi trường biển. Giải quyết vấn đề đánh bắt cá IUU đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan ở nhiều quốc gia khác nhau. Các chương trình theo dõi, kiểm soát và giám sát nghề cá (MCS) cần được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa khả năng truy xuất nguồn gốc của cá và các sản phẩm thủy sản, trước nguy cơ nhiều nước ASEAN phải nhận thẻ vàng từ EC.

Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông, ba khu vực ở ASEAN có nhiều hoạt động đánh bắt cá IUU bao gồm Vịnh Thái Lan, vùng biển Indonesia và vùng đặc quyền kinh tế Malaysia (EEZ). Bộ Thủy sản Malaysia cho biết, nước này mất tới 1,4 tỷ USD do các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp hàng năm. Nhiều quốc gia thành viên ASEAN khác cũng đã ghi nhận các trường hợp IUU.

Philippines đã bị thẻ vàng vào tháng 6/2014 nhưng đã nỗ lực để được gỡ thẻ vào tháng 4/2015. Trong khi đó, Campuchia nhận thẻ vàng vào tháng 11/2012 và đã bị hạ cấp thêm vào danh sách đen của EC vào tháng 3/2014. Theo đó, tất cả các sản phẩm thủy sản đánh bắt bởi các tàu cá đăng ký tại Campuchia đều bị cấm vào EU.

Việt Nam cũng đã nhận một thẻ vàng vào tháng 10/2017 và đây là điều rất đáng lo ngại vì ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang phát triển mạnh. Vào tháng 5/2019, một ủy ban quốc gia đặc biệt đã được thành lập để xử lý vấn đề này. Việt Nam cũng thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và thực hiện nhiều biện pháp lâu dài mạnh mẽ khác. Chính phủ đã liên tục và kiên quyết chống lại việc đánh bắt cá IUU thông qua truyền thông, luật pháp và các biện pháp kỹ thuật, như các khuyến nghị từ phái đoàn EC. Năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trị giá 8,6 tỷ USD và đặt mục tiêu 10 tỷ USD cho năm nay.

Tuy nhiên, bất chấp các kế hoạch và chiến lược lớn của ASEAN nhằm chống lại việc đánh bắt cá IUU trong khu vực, việc đánh bắt cá bất hợp pháp hiện vẫn lan tràn ở Đông Nam Á, gây tổn thất rất lớn cho các nước trong khu vực.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The ASEAN Post)