Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc. Ảnh: TTXVN

1. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII cho đến nay, Đảng ta đã xử lý kỷ luật một loạt cán bộ lãnh đạo liên quan đến việc bổ nhiệm “người nhà, người thân” trái quy định. Đến nay, biểu hiện này có giảm nhưng vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Sai phạm không còn trong phạm vi người nhà, người thân mà rộng hơn là những mối quan hệ thân quen, đồng hương, ơn nghĩa qua lại và cả “chạy” để được bổ nhiệm. Hình thức này có thể tóm tắt như sau: Lãnh đạo cấp trên (A) gửi gắm cho lãnh đạo cấp dưới (B) về đề bạt người (C) nào đó dưới quyền của (B). Hình thức có thể thể bằng điện thoại, trao đổi trực tiếp hoặc bóng gió gợi ý về mức độ quan hệ làm cho cấp dưới phải biết về mục đích quan tâm của sếp. Dù hình thức nào thì ông B cần hiểu ý lãnh đạo và bằng mọi giá phải đưa người đó vào quy hoạch, hợp thức hóa từng bước để đề bạt. Lộ liễu nhất là cấp trên còn gợi ý bổ nhiệm vào vị trí nào đó mà người cần đã được nhắm trước.

Các đối tượng cần chức vụ nào đó tìm cách tiếp cận, chạy với cấp trên, nhờ tác động để được bổ nhiệm. Người chạy có thể có tiêu chuẩn, năng lực không bằng những người quy hoạch khác nhưng khi đã dựa được vào “ô dù”, lọt vào “tầm ngắm”, chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi. Họ sẽ không cần phải chạy nhiều cửa, vừa đỡ tốn kém, vừa  khỏi bấp bênh. Các  điều kiện, quy trình được lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo hợp thức hóa  theo hướng có lợi, có khi còn điều chỉnh quy chế cơ quan cho đúng tiêu chuẩn. Khi đã chín muồi, cán bộ  không còn ngại ngần tiếp cận hay nói cách khác là “đi cửa sau” với thủ trưởng trực tiếp để sớm đạt được mục đích. Hiện tượng chạy này thực sự nguy hiểm vì bổ nhiệm người không phải vì công việc, có khi còn phá vỡ quy hoạch của cấp dưới.

2. Các cơ quan trong hệ thống chính trị của chúng ta có mối quan hệ, ảnh hưởng ngang - dọc giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Đảng và chính quyền. Cơ quan chuyên môn chỉ đạo theo ngành dọc, nhưng sinh hoạt đảng phần lớn trực thuộc quản lý của cấp ủy địa phương. Chính vì vậy dễ tạo ra những kẽ hở trong cơ chế quản lý, theo dõi cán bộ giữa cấp trên và cấp dưới, dẫn đến những tồn tại chủ quan  trong nhận xét, đánh giá hay quy hoạch, bổ nhiệm. Khi có nhu cầu bổ nhiệm, cấp trên phải lấy ý kiến của cấp ủy địa phương. Từ đó, dễ có sự thỏa hiệp hoặc hiểu ngầm với nhau về “người của anh, người của tôi”, miễn là “đôi bên đều có lợi”. Cấp quản lý trực tiếp cán bộ dù muốn hay không cũng khó lòng từ chối, không thực hiện chu tất dễ bị  mất lòng.

Những cán bộ được bổ nhiệm theo dạng này thường diễn ra ở những cơ quan có nhiều quyền lực, có “màu mỡ”, chi phối kinh tế hoặc những lợi ích khác. Khi đã bị ràng buộc “cơ chế” này thì quy hoạch, quy trình hay đề xuất của bộ phận tổ chức chỉ là bình phong, trên đã quyết thì dưới phải chấp hành. Khó xử nhất cho cấp dưới là lãnh đạo cấp trên không chỉ một người, mỗi lãnh đạo lại có những mối quan hệ, lợi ích  riêng, vô tình đã biến công tác tổ chức thành “bàn cờ” dưới sự điều khiển của những người có quyền lực. Duy trì kiểu này sẽ làm phức tạp cho công tác của tổ chức, là nguyên nhân trực tiếp gây mất đoàn kết nội bộ. Xét về chất lượng cán bộ, về lâu dài sẽ là tai họa cho công tác quản lý, theo dõi và quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

3. Trong nhiệm kỳ khóa XII, các cơ quan Đảng, các ngành ở Trung ương và  địa phương đã ban hành nhiều văn bản, thực hiện nhiều biện pháp nhằm chống lũng đoạn, hạn chế tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ. Chưa thời kỳ nào có một hệ thống kiểm soát, quy trình bổ nhiệm cán bộ lại công khai, minh bạch, đầy đủ, chặt chẽ như hiện nay. Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành quy định 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” đã nhận được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 105-QĐ/TW ngày 19/12/1017 về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”, Quy định 132-QĐ/TW ngày 8/3/2018 về “Việc kiểm điểm và đánh giá xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”... Trung ương đã chỉ rõ những biểu hiện tiêu cực, những hành vi “đi ngang, đi tắt”, đốt cháy quy trình và yêu cầu phải được chấn chỉnh, xử lý nghiêm túc. Sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu của Đảng, Nhà nước đã làm giảm tiêu cực trong lĩnh vực này. Hiện nay, chúng ta đang thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo. Với cách làm chặt chẽ, khách quan đã lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo có năng lực.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giới thiệu, bổ nhiệm lãnh đạo cho nhiệm kỳ mới, trước mắt cần kết hợp thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH