Các nước hiện đang tập trung quản lý tình hình dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế. Ảnh minh họa: The Guardian/ VTV.vn

Cụ thể, tình hình hiện tại hoàn toàn không giống và khó có khả năng lặp lại như hồi tháng 3/2020, Suresh Tantia – chiến lược gia đầu tư cấp cao tại văn phòng APAC CIO của Ngân hàng Credit Suisse thông tin. Trong đó, tháng 3 vừa qua là thời điểm dịch COVID-19 lây lan mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu, sau khi ổ dịch bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 12/2019.

“Đợt dịch thứ hai là mối lo ngại cho các nhà đầu tư. Song tôi cho rằng so với hồi tháng 3, lúc này có nhiều khác biệt lớn mà rất khó có khả năng chúng ta có thể nhìn thấy sự phong tỏa nền kinh tế toàn cầu lần thứ hai. Đơn cử, nếu nhìn vào đợt bán tháo hồi tháng 3, lý do thị trường bán tháo khẩn cấp không phải là lo ngại về tình hình đại dịch COVID-19, mà chủ yếu là do nền kinh tế toàn cầu đóng cửa. Đây là một mối lo cho thị trường. Song miễn là chúng ta không nhìn thấy sự lặp lại của tình hình hồi tháng 3, tôi cho rằng thị trường các nước sẽ bỏ qua mọi lo ngại và tập trung nhiều hơn vào sự phục hồi trong vài quý tới”, chuyên gia Suresh Tantia chia sẻ.

Được biết, tính đến chiều 28/6 theo giờ Việt Nam, thế giới đã chạm mốc hơn 10 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, số ca tử vong đã lên đến hơn 500.000 người và có gần 5,5 triệu người đã bình phục.

Hiện Mỹ, Brazil và Nga vẫn đang là 3 nước có số ca nhiễm nhiều nhất trên thế giới. Trong đó Mỹ có hơn 2,5 triệu ca, gần gấp đôi so với số ca ghi nhận ở Brazil là hơn 1,3 triệu ca.

Diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp ở các nước phương Tây.

Ở châu Á, Hàn Quốc cũng đang chiến đấu với một đợt dịch thứ hai ở thủ đô Seoul. Ở Bắc Kinh, các nhà chức trách đã khôi phục một số hạn chế đã nới lỏng và dỡ bỏ trước đó, do ổ dịch liên quan đến các chợ trong thành phố bị phát hiện. Tuy nhiên ngay sau đó, Trung Quốc nhấn mạnh rằng tình hình đã được kiểm soát.

Trưởng Bộ phận cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương tại USDB Global Wealth Management Hartmut Issel cũng nhận định rằng, các quốc gia khó rơi vào lối mòn cũ.

“Phong tỏa nền kinh tế một quốc gia có thể gây thiệt hại 3% GDP mỗi tháng. Do đó, ngay cả những quốc gia giàu nhất hành tinh cũng không đủ khả năng để phong tỏa đất nước trong vòng 2-3 tháng tới”, vị quan chức khẳng định.

Trong một thông tin có liên quan, vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và cảnh báo rằng mức tài chính của các nước sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể khi cố gắng đối phó với đại dịch.

Hiện tại, IMF ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm 2020, thấp hơn mức giảm 3% đã đưa ra hồi tháng Tư. Giải thích cho những sự thay đổi này, IMF cho rằng các biện pháp cách ly xã hội có thể sẽ vẫn tồn tại trong nửa cuối năm nay, chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng.

Ở các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, IMF bày tỏ lo ngại rằng việc phong tỏa nền kinh tế lâu hơn có thể khiến hoạt động kinh tế trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ CNBC)