Quang cảnh hội nghị
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội chủ trì hội nghị.
Tham dự có đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An; đại diện lãnh đạo cơ quan chức năng của các Bộ, ngành liên quan. Về phía tỉnh có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh.
Tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật khác
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, đại diện Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, việc dự thảo Luật lấy tên gọi là Luật Biên phòng Việt Nam sẽ giải quyết được các vấn đề như, thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, phương châm chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; thể hiện toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới. Đồng thời, tạo cơ sở vững chắc trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; thể chế hóa chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển.
Để đồng bộ với hệ thống pháp luật về lĩnh vực biên giới, lãnh thổ và biên giới quốc gia (BVBG), việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam hiện đang được tiến hành là vấn đề cấp bách. Qua đó, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đảm bảo thống nhất với Hiến pháp, văn bản pháp luật liên quan và các điều ước quốc tế. Xây dựng Luật biên phòng Việt Nam sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho BĐBP, các cơ quan chức năng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Vì vậy, trong quá trình xây dựng Luật, cần nghiên cứu những nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… của BĐBP đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Theo đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam với các vấn đề trọng tâm như tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; giải thích thuật ngữ Biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng; nội dung quản lý Nhà nước về biên phòng; đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng biên phòng...
Các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An và một số chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp hoạt động của lực lượng biên phòng; vấn đề xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng tránh chồng chéo và không đảm bảo tính thống nhất trong quy định của pháp luật.
ThS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế phát biểu nêu rõ, cần sửa đổi quy định phạm vi điều chỉnh, quy định về khái niệm Biên phòng và bố cục lại các chương, điều; chỉnh lý nội dung phù hợp hơn nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo với những quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Các ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự tại hội nghị
Cần quy định cụ thể hơn về quyền hạn của bộ đội biên phòng
Cũng theo Thượng tá Lê Thị Hồng Thương, Trưởng phòng Pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, cần rà soát, đánh giá tổng thể các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan như Luật BGQG, Luật An ninh Quốc gia, Luật Dân quân tự vệ, Luật Công an nhân dân… trên cơ sở đó xác định đầy đủ, toàn diện, chính xác các nhiệm vụ biên phòng. Vì vậy, cần quy định cụ thể nhiệm vụ biên phòng đảm bảo tính khái quát, toàn diện nhưng thể hiện đầy đủ nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG và khu vực biên giới.
Về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, đại diện Cục Hải quan tỉnh cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về quyền hạn của BĐBP, qua đó để xác định rõ cơ chế chủ trì, phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan và phạm vi, cơ chế thực hiện quyền hạn này của BĐBP để tránh chồng chéo, trùng lặp với quyền hạn của Công an, Hải quan và các lực lượng khác. Đặc biệt, đối với quy định về quyền hạn của BĐBP về kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Cần bổ sung quy định cụ thể phạm vi thẩm quyền của BĐBP để đảm bảo sự minh bạch, tránh trùng lặp nhiệm vụ của Hải quan và BĐBP.
Một số ý kiến còn cho rằng, cần hoàn thiện dự thảo Luật về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng theo hướng chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan; trong đó, rà soát, xác định rõ nội dung phối hợp là những vấn đề có tính chất liên ngành.
Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, việc xây dựng hoàn chỉnh dự án Luật là cấp thiết, cần sớm được Quốc hội thông qua, để tạo cơ sở pháp lý cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới. Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG; quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia là đòi hỏi bức bách. Ban biên soạn Dự án Luật Biên phòng Việt Nam sẽ tổng hợp tiếp thu các ý kiến, tiếp tục chỉnh lý nhằm đảm bảo sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Từ đó, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐBP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bài, ảnh: Bá Trí