Mương thoát nước trở thành mương chứa chất thải chăn nuôi
Gia đình ông N. (ngụ tại tổ dân phố La Chữ Thượng, phường Hương Chữ) nhiều năm qua đã không ít lần “chịu khổ” bởi chất thải chăn nuôi, sinh hoạt do nhà hàng xóm xả ra gây ô nhiễm mương nước trước nhà mình.
Ông Nhân cho biết, mương nước này do người dân trong xóm cùng góp tiền, góp sức xây dựng từ nhiều năm về trước. Mương nước tuy nhỏ nhưng cũng giúp các hộ có đất trũng, thấp trong xóm thoát nước phần nào khi mùa mưa lũ về.
“Từ khi gia đình ông Lê Phú Dỏ xả chất thải chăn nuôi heo và sinh hoạt ra mương thì đáy mương nông dần. Đã vậy, nhà tui gần đường, đất lại trũng thấp nên mùa nắng phải ngửi mùi hôi thối, lúc trời mưa to một phần chất thải tràn ra mương chảy vào ô nhiễm lắm”, ông Nhân bức xúc.
Sống cạnh đó, bà M. cũng buồn lòng cho biết, người dân trong xóm đã nhiều lần góp ý với gia đình ông Dỏ xử lý chất thải trong mương. Có lần, một hộ trong xóm làm “căng” quá nên ông Dỏ có lấy tấm tôn xi măng che dọc mương cho đỡ hôi. “Ông Dỏ làm ăn kinh tế thì cũng thông cảm, tình làng nghĩa xóm nữa nên mới đầu bà con góp ý thôi. Nhưng mà thấy lâu rồi đường mương vẫn hôi, đen ngòm như rứa thì không ai chịu được”, bà M. nói.
Cơ sở chăn nuôi heo tại nhà ông Nguyễn Đăng Phú ở xóm Dái gần đó cũng khiến người dân sống xung quanh phải “khó thở” bởi mùi hôi bốc lên nồng nặc. Theo người dân trong xóm, mùi hôi phát tán ra từ nhà ông Phú không chỉ từ chất thải chăn nuôi, mà còn xuất phát từ “công thức đặc biệt” bổ sung dinh dưỡng cho vật nuôi được ông Phú chế biến từ cá ươn mua ngoài chợ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dỏ cho biết, sau đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình ông có tái đàn với 3 heo nái, hơn 10 heo con. Ông cam kết sẽ xử lý ngay việc chất thải chảy ra mương nước, thường xuyên thực hiện vệ sinh đảm bảo môi trường xung quanh theo hướng dẫn của cán bộ phường. “Nghe hàng xóm phản ánh tui cũng buồn, có xử lý mà vẫn chưa đảm bảo vệ sinh. Sắp tới nếu vì chăn nuôi mà vẫn ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm thì chắc tui nghỉ nuôi heo luôn”, ông Dỏ chia sẻ.
Ông Lê Đình Lanh, Chủ tịch UBND phường Hương Chữ cho biết, sau khi nhận được kiến nghị của các hộ dân, UBND phường đã phối hợp với ngành chức năng của thị xã tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi heo nói trên. Tại thời điểm kiểm tra, các hộ chăn nuôi này đều đã xây dựng hầm biogas. Tuy nhiên, ở những thời điểm đàn heo đông, bể chứa không hết nên chất thải tràn ra bên ngoài. Bên cạnh đó, quá trình cho heo ăn, xịt rửa chuồng trại cũng gây bốc mùi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Vì vậy, cán bộ xã đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi này thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại đúng quy trình, vận động xây thêm hầm biogas để đảm bảo dung lượng chứa chất thải.
Theo ông Lanh, người dân ở phường Hương Chữ chủ yếu làm nghề nông. Trước đây, hộ nào có chăn nuôi thì số lượng thường không nhiều, khoảng cách giữa các nhà lại xa nên ít ai để tâm đến môi trường. Dần dà nhà cửa được xây dựng nhiều, san sát nhau, nhận thức của người dân cũng được nâng cao. Những hộ chăn nuôi ở địa phương chủ yếu là nông dân lâu năm hay người già quá tuổi lao động nên chưa thích nghi kịp…
“Để giải quyết theo hướng lâu dài, sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất lên thị xã quy hoạch một khu chăn nuôi tập trung cho người dân”, ông Lanh cho biết thêm.
Bài, ảnh: Thanh Bình