Đây cũng là động thái được đưa ra sau thông báo của Bộ trưởng Hàng không Pakistan về việc nước này đã có quyết định cấm bay 262 phi công bị nghi vấn dùng bằng lái giả mạo, hoặc có gian lận trong các cuộc thi năng lực bay.

Cũng theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, 27 bằng lái đã được Cục này cấp cho các phi công Pakistan. 15 người trong số này đã hết hợp đồng hoặc về nước. 11/12 người còn lại thuộc đội bay của Vietjer Air, 1 của Jestar Pacific (cũ) chưa quay trở lại Việt Nam sau khi về nước.

Dù không còn phi công quốc tịch Pakistan hay được cấp chứng chỉ bay tại Pakistan đang làm nhiệm vụ bay tại các hãng hàng không Việt Nam, song điều này cũng làm dấy lên mối quan ngại của người dân về an toàn bay. Việc chỉ có 2 người sống sót trong khi có đến 97 người thiệt mạng trong một vụ tai nạn ở Karachi - miền nam Pakistan- hơn một tháng trước vẫn còn là nỗi ám ảnh của những người đã chọn hàng không để di chuyển, dù không ít người trong số này vẫn luôn nghĩ đó chỉ là một vận rủi. Nhưng rõ ràng là sau tai nạn thảm khốc này, nhiều khoảng trống đe dọa an ninh hàng không đã bộc lộ.

Ngay cả khi người đứng đầu Hiệp hội phi công dân dụng Pakistan cho rằng, đó là những cáo buộc sai sự thật, những rủi ro tiềm ẩn gần như đã được trông thấy, nhất là đối với những nước/khu vực đã từng có sự tăng trưởng nóng, với việc xuất hiện thêm những hãng bay mới, đồng thời với việc tuyển dụng phi công. Đó có thể cũng là căn nguyên cho những hồ sơ đẹp nhưng giả mà nhà chức trách Pakistan đã lên tiếng trong những ngày vừa qua. Cũng không thể dấy lên những hồ nghi, xung quanh việc có chuyến bay đã hạ cánh lệch đường băng ở Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất vào trung tuần tháng sáu...

Đây không phải là chuyện trên trời mà chúng đều bắt nguồn từ mặt đất, từ những vấn đề về quản trị, điều hành, giám sát với rất nhiều những vấn đề liên quan khác. Quan trọng hơn là nó đe dọa tính mạng con người và an ninh hàng không nếu có một bộ phận nào đó vận hành một cách lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm.

 Gần 90% là tỷ lệ phi công người Việt là con số được đưa ra của Vietnamairlines và VASCO trong tổng số 850 phi công hiện có. Việc đào tạo, kiểm tra và duy trì năng định lực lượng người lái cũng đã được Vietnamairlines thực hiện, với mục tiêu 100% phi công Việt Nam và nước ngoài đảm bảo an toàn bay.

Độ an toàn, sự tin cậy của các hãng bay được thể hiện qua lựa chọn của người tiêu dùng. Một thương hiệu có thể bị xa lánh, nếu không thật sự quan tâm một cách thấu đáo đến những người đã lên chuyến bay của hãng đó.

 Khang Nhiên