Hội viên cựu chiến binh Dương Hòa làm giàu từ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi

Chúng tôi đến thăm khu vườn của gia đình CCB Nguyễn Văn Tuấn khi ông đang hướng dẫn cho một số hội viên CCB khác kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh trà.

Ông Tuấn cho biết, diện tích đất vườn của gia đình có gần 4 ha nhưng ông phải mất một thời gian dài loay hoay về việc trồng cây gì cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và mang hiệu quả kinh tế cao.

Từ khi được Hội CCB phát động phong trào phát triển kinh tế và được tham gia tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông mạnh dạn cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới tiêu để phát triển cây thanh trà. Hiện vườn thanh trà của CCB Tuấn đã phát triển xanh tốt và cho thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

Còn gia đình của CCB Nguyễn Văn Tân trước đây cũng trồng một số cây ăn quả, nhưng không hiệu quả nên bỏ vườn hoang đi làm thuê làm mướn. Khi được Hội CCB xã động viên, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình ông đã chuyển qua trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi.

Nhờ tìm được hướng đi đúng và dày công chăm cóc, hơn 17ha đất rừng của ông Tân đã cho quả ngọt. Sau 5 năm trồng rừng, đến nay, diện tích rừng của ông Tân bắt đầu cho thu hoạch cuốn chiếu với lãi ròng hơn 150 triệu/năm.

Cũng giống như CCB Nguyễn Văn Tân, các CCB Lê Văn Tảo, Nguyễn Văn Mẫu, Phan Hữu Hiền đã có nguồn thu ổn định từ kinh tế rừng và đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng.

Ông Mai Văn Tám, Chủ tịch Hội CCB xã Dương Hòa cho biết: Trong những năm qua, các hội viên CCB trong hội luôn đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế. Năm 2019, các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả tiếp tục phát huy tốt như: trồng cây ăn quả, trồng rừng và nuôi bò..., giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Để phong trào được lan tỏa, theo ông Mai Văn Tám, các cấp hội luôn quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như hình thức sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, Hội CCB xã đã vận động được 20 hội viên chuyển đổi 43.450m2 đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây thanh trà theo đề án của xã. Các hội viên đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để kéo điện lưới, lắp đặt mô tơ tưới tiêu cho thanh trà trong mùa nắng hạn.

Hội cũng đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho hội viên và Nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay, tạo việc làm, phát triển kinh tế. Đến nay, số dư nợ hơn 4 tỷ  đồng, không có nợ quá hạn. Song song, Hội phối hợp các ban ngành, đoàn thể của xã và Phòng Kinh tế thị xã tổ chức trên 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 140 lượt hội viên. Nhờ vậy, hội viên đều nắm vững cơ bản kỹ thuật trong trồng trọt .

Những kết quả trên đã khẳng định vai trò, vị trí của người lính trên mặt trận mới. Họ luôn năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất; thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Thảo Vy