Một lòng bám biển
Vở kịch xoay quanh câu chuyện của gia đình ông Lộc - một ngư dân cả đời gắn bó với cuộc sống lênh đênh trên biển. Cụ tổ ông Lộc là Đội trưởng Đội hùng binh Hoàng Sa, con trai ông cũng đã hy sinh khi canh giữ đảo Gạc Ma. Sau tai nạn, tàu hư hỏng nặng, ngư cụ bị mất, sức khoẻ yếu, ông Lộc đành ở nhà. Những ngày xa biển, ông Lộc ngẩn ngơ nhớ biển. Ngày nào ông cũng thẫn thờ lang thang ngoài bờ biển nhìn ra khơi xa. Với ông, biển là tình yêu, hơi thở; thiếu biển, ông không thể sống được. Tình yêu ấy thôi thúc ông quyết chí ra khơi.
Một cảnh trong "Vượt sóng" |
Vở kịch được đẩy lên cao trào khi bà Lợi – vợ ông kiên quyết phản đối. Đã mất đứa con trai, chồng cũng vừa trải qua hiểm nguy khiến bà khiếp sợ. Nhưng với ông Lộc, biển là quê hương, máu thịt bao đời mà ông phải làm tròn bổn phận với tổ tiên, con cháu. Ông không cam tâm ngồi bó gối để tàu giặc ngày đêm quậy phá. Dẫu có chết, ông cũng chết ngoài biển cả.
Cuối cùng, ông Lộc đã mang ra sắc phong của triều Nguyễn sắc phong cho cụ tổ của ông là Đội trưởng Đội hùng binh Hoàng Sa đã có công lớn trong việc khai thác, giữ gìn biển đảo. Đây cũng là bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Vinh dự và tự hào, bà Lợi đã hiểu ra sứ mệnh cao cả của chồng mình – không chỉ là say luồng tôm, con cá mà những người như ông Lộc phải ra khơi để giữ biển, bởi biển không có người thì như nhà hoang vô chủ.
Suốt 60 phút xem vở kịch, khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Xúc động xen lẫn tự hào, vững tin trước ý chí của ngư dân. Có những giây phút cảm xúc dâng trào mãnh liệt trước nỗi quay quắt nhớ biển, cương quyết ra khơi giữ lãnh hải Tổ quốc của ông Lộc. Cũng không ít những tình huống bật cười trước sự chân chất mà dí dỏm của những ngư dân...
Tấm lòng của nghệ sĩ Huế
“Vượt Sóng” là công trình đầu tiên do các hội viên Hội Sân khấu đảm nhận từ khâu kịch bản, đạo diễn đến diễn viên. Nghệ sĩ Đỗ Trung Hùng - tác giả kịch bản kể: “Biển ngàn đời là của Việt Nam mà ông cha ta đã khai phá, chúng ta phải gìn giữ. Tình yêu biển đảo đã thôi thúc tôi viết kịch bản này. Là người miền Trung, tôi hiểu biển và con người ở biển. Cảm xúc về biển và con người nơi đây giúp tôi viết rất tự nhiên”.
Được thể hiện bởi các diễn viên chuyên nghiệp, vở ca kịch mang đến cho người xem nhiều cảm xúc đối với các tuyến nhân vật cũng như tuyến tâm lý, đặc biệt là tạo cho người xem niềm tự hào về ý chí của người dân Việt. NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế chia sẻ: “Sau khi xem tác phẩm này, tôi rất trân trọng nỗ lực lao động sáng tạo nghệ thuật của anh em nghệ sĩ Hội Sân khấu, đồng thời dâng lên trong tôi niềm tự hào khi là người Việt Nam. Tác phẩm đã khắc họa rõ nét ý chí của người dân Việt, đặc biệt là ngư dân khi lãnh hải của Tổ quốc bị xâm phạm”.
Dù là vở kịch hiện đại nhưng tác giả kịch bản, đạo diễn đã mạnh dạn thể hiện bằng thể loại ca kịch. Được chuyển tải qua những điệu lý, bài bản quen thuộc, như: phú lục, lý giao duyên, lý tương tư, lý hoài xuân, ca đoản xuân, vè, hoài xuân, kim tiền, hò hụi…, dễ đi vào lòng người.
Theo đạo diễn La Thanh Hùng, ca kịch là đặc trưng riêng của Huế. Việc dựng vở bằng thể loại ca kịch cũng là cách để đưa ca kịch đến gần công chúng, đồng thời khẳng định ca kịch cũng có thể phản ánh được hiện thực cuộc sống.