Người mua chọn mua xe đạp ngoại nhập ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Huệ

Từ bình dân đến cao cấp

Không khó để chứng kiến hình ảnh người dân đạp những chiếc xe thể thao tập thể dục vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối khắp trên các cung đường. Giá thành mỗi chiếc xe ngoại nhập dao động từ vài triệu đồng lên tới vài chục triệu, thậm chí có chiếc hơn cả trăm triệu…

Bên cạnh một số cửa hàng xe đạp thể thao có tiếng, thời gian gần đây, các tiệm bán xe đạp như thế mọc lên ngày càng nhiều. Hầu hết trong số đó, có tiệm cung cấp xe đạp với giá bình dân từ 5-10 triệu đồng/chiếc. Nhưng cũng có chiếc với giá “khủng” trên trăm triệu.

Tại cửa hàng xe đạp trên đường Điện Biên Phủ, TP. Huế, phía trước được trưng bày rất nhiều xe đạp, đủ loại kích cỡ, kiểu dáng xếp san sát nhau. Bên trong các mảng tường cũng được tận dụng để treo nhiều chiếc “siêu xe đạp” các loại. Theo tìm hiểu, hầu hết đó là những chiếc xe ngoại nhập từ các nước Đài Loan, Đức Ý, Mỹ… với các loại giá khác nhau, thỏa mãn nhu cầu lựa chọn cho khách hàng với mức giá cao thấp tùy chiếc.

“Cân nặng tăng nhanh và một phần công việc phải ngồi nhiều nên cần phải mua một chiếc xe để vận động và thư giãn”, anh Ngô Phước Tuần – một người dân Huế đã suy nghĩ như thế khi tìm đến một cửa hàng để mua xe đạp. Sau một thời gian tìm hiểu, cân nhắc anh quyết định mua 1 chiếc xe hãng Giant được nhập về từ Đài Loan với giá 8,5 triệu đồng. Ngoài lý do “đầu tư” cho sức khỏe, anh Tuần cho rằng Huế thời gian qua có rất nhiều cung đường đạp xe thơ mộng, phong trào đạp xe tập thể dục phát triển, vô cùng thú vị.

Xe đạp ngoại nhập được bày bán ở các cửa hàng bao gồm rất nhiều loại, từ xe đạp đường trường, cho đến xe đạp leo núi, xe dành riêng cho các em nhỏ, cũng như các loại xe được thiết kế riêng dành cho nữ giới… Có loại xe còn tích hợp thêm vài tính năng, tiện ích như gấp gọn, trợ điện.

“Bán xe đạp như bán… sức khỏe”

Một trong những cửa hàng xe đạp thể thao ngoại nhập nổi tiếng ở Huế đó là xe đạp Anh Khoa trên đường Nguyễn Huệ, TP. Huế. Với không gian hơn 50m2, nhiều người tìm đến đây có vẻ choáng ngợp bởi hàng chục chiếc xe ngoại nhập với đủ màu sắc được trưng bày với các thương hiệu như Giant, Jett, Trek… từ mức giá vài triệu đến vài chục triệu/chiếc.

“Những năm gần đây, đời sống tăng cao, người dân cũng chịu chi hơn để chọn được một chiếc xe ngoại nhập cao cấp, ưng ý phục vụ cho việc đạp xe thể dục. Đặc biệt, thời điểm từ đầu năm đến nay khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhiều người tìm đến mua hơn” – người bán hàng cho biết. Bên cạnh việc bán xe, các cửa hàng còn bán các phụ kiện đi kèm, cũng như tư vấn cách điều chỉnh, cách đạp, tư thế sao cho phù hợp với cơ địa của từng người.

Một tiệm chuyên bán xe đạp thể thao khác nằm trên đường Điện Biên Phủ có tên Giant Store Hue được nhiều khách tìm đến. Như tên gọi, tiệm này chuyên dòng xe thể thao Giant của Đài Loan, với rất nhiều mức giá. Đa số khách tìm đến đây đều chọn một chiếc giá trung bình từ 5 – 15 triệu đồng. Thi thoảng có người mua chiếc vài chục triệu cũng không hiếm. Ngoài ra, có dân chơi xe đạp chuyên nghiệp còn mua chiếc gần cả trăm triệu là chuyện thường. Người mua ngoài dựa vào túi tiền còn để ý rất kĩ đến các chi tiết, bộ phận của xe từ khung, lốp, sên, líp, thắng tay, hàm thắng… Trong đó, khung xe là quan trọng nhất và quyết định phần lớn đến giá cả.

Lý giải về thị trường xe đạp ngoại nhập được nhiều khách hàng chọn lựa trong thời gian qua, anh Phạm Bích Khuê – chủ tiệm xe đạp Giant Store Hue nhìn nhận, cách sống, suy nghĩ của người dân thay đổi khi giờ họ đã quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn. Nhiều người ngày trước chơi các môn thể thao tập thể, ở nơi đông người, ngại va chạm chấn thương giờ dần chuyển sang đạp xe đạp. Đó cũng là lý do thị trường xe đạp nói chung và thị trường xe đạp ngoại nhập tăng mạnh.

Ngoài ra, các tuyến đường ở Huế cũng như khoảng cách di chuyển đi lại gần nên nhiều người cũng thay đổi phương tiện di chuyển. Theo anh Khuê, bên cạnh thị trường bình dân với mức giá 5 – 50 triệu đồng/chiếc, có người “chịu chi” hơn 200 triệu đồng để mua một chiếc xe đạp.

“Trong đó, có nhiều người vừa dùng xe đạp để tập thể dục, vừa dùng xe đạp để đi làm, không những tốt cho sức khỏe mà đó còn là hành động bảo vệ môi trường” – anh Khuê cho hay và nói thêm chưa khi nào phong trào đạp xe đạp ở Huế phát triển như thời điểm hiện tại. Ở tâm thế của người bán hàng, anh Khuê nói đó là một tín hiệu tích cực và cho rằng không gì vui hơn khi việc kinh doanh này còn giúp ích đến nhiều người, như là một cách góp phần đem lại sức khỏe cho nhiều người.

Cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn

Đầu tháng 6 vừa qua, tại hội thảo “Huế, thành phố xe đạp – bản sắc cộng đồng và hình ảnh thành phố đạp xe thân thiện với môi trường”, nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư phát triển các tuyến đạp xe với nhiều mục tiêu khác nhau đã có tác động tích cực, thúc đẩy gia tăng chất lượng sức khỏe cộng đồng, môi trường và hoạt động kinh tế trong tương lai.

Người dân đạp xe đạp trên đường dọc sông Hương, dưới những tán cây xanh bóng mát

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định, xe đạp sẽ làm thay đổi cách thức con người tương tác với nhau, tương tác với xã hội, tự nhiên và chính với bản thân mình. Mối quan hệ con người chúng ta trong xã hội sẽ gần gũi hơn so với việc sử dụng xe máy, ô tô như hiện nay.

Ông Fred Yound, Giám đốc điều hành Công ty Alta Go Planning Company khu vực Đông Nam Á nhận định, Huế là một trong những thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đi xe đạp trong người dân cũng như khách du lịch. Nhất là người đi xe đạp có thể trải nghiệm được văn hóa Huế, các địa điểm di tích chỉ với khoảng cách 9km từ trung tâm TP. Huế đến các khu du lịch ngoại vi thành phố. Với chặng đường như vậy, người dân và du khách còn có thể giúp gia tăng sức khỏe và cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn và thân thiện với môi trường.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH