Theo chỉ đạo của UBND tỉnh trong một công văn vừa mới ban hành cuối tháng 6/2020, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh nêu rõ: “Các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2020 đến ngày 30/9/2020 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2020. Trường hợp không đảm bảo giải ngân quy định trên, Trung ương sẽ quyết định cắt giảm điều chuyển vốn về cơ quan, địa phương khác. Chủ đầu tư, người đứng đầu chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn ngân sách Trung ương”.

Trong một chỉ thị khác ban hành vào tháng 1/2020, UBND tỉnh cũng chỉ đạo: “Đối với các dự án và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/6/2020 phải giải ngân trên 50% kế hoạch vốn năm 2020, đến 15/12/2020 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020. Đối với các dự án và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/9/2020 phải giải ngân trên 50% kế hoạch vốn năm 2020, đến 31/12/2020 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020”.

Vốn đầu tư công có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao cơ sở hạ tầng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế trì trệ thì nó còn có một ý nghĩa khác với vai trò như một chất xúc tác quan trọng kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển. Cùng với nhiều biện pháp khác, việc tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công cũng mang ý nghĩa như vậy.

Giờ chúng ta thử xem xét tốc độ vốn đầu tư công của tỉnh kể cả hai nguồn (Trung ương và địa phương quản lý) tiến độ được thúc đẩy như thế nào?

Theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, vốn đầu tư thuộc ngân sách đạt hơn 1.711 tỷ đồng, bằng 29,76% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý 439,0 tỷ đồng, bằng 43,04% kế hoạch. Và vốn ngân sách địa phương quản lý 1.272,5 tỷ đồng, bằng 26,90%. Số liệu thống kê không cho biết bao nhiêu vốn được giải ngân thuộc các dự án chuyển tiếp và bao nhiêu là thuộc dự án mới (bố trí trong năm 2020), nhưng nếu chúng ta so sánh giữa chỉ thị của UBND tỉnh từ đầu năm và mức đạt được về việc thực hiện vốn đầu tư trong 5 tháng đầu năm sẽ thấy tiến độ giải ngân còn chậm. Chỉ còn 7 tháng nữa, buộc tốc độ giải ngân phải đạt hơn 73% nguồn vốn là một áp lực không hề nhỏ đối với các dự án “chậm tiến độ”!? Ở đây, chỉ đơn thuần là chúng ta tính tỷ lệ phần trăm/thời gian mà chưa xem xét các yếu tố khách quan tác động. Chẳng hạn như các công trình thi công ngoài trời thường chịu áp lực rất lớn do ảnh hưởng thời tiết. Ở Thừa Thiên Huế cũng như miền Trung, có năm, bước vào tháng 10, 11 đã đón gió bão, mưa lụt… ảnh hưởng rất lớn đến thi công công trình. Giả sử như năm nay chúng ta gặp điều kiện thời tiết bất lợi như vậy, mà cũng rất có thể, cứ nắng nhiều thì sau đó là mưa lắm. Từ đầu năm đến nay, cả nước chịu những đợt nắng nóng kỷ lục, hạn hán diễn ra nhiều nơi, liệu tốc độ giải ngân vốn có đảm bảo?

Giải ngân vốn đầu tư công chậm đã trở thành căn “bệnh” của Việt Nam. Trong đó có hai nút thắt đáng chú ý nhất là giải phóng mặt bằng chậm và cả năng lực của nhà thầu thi công. Tất cả những công trình được chọn để ưu tiên đầu tư đều có ý nghĩa rất quan trọng trong ngắn và dài hạn. Nếu tiến độ chậm, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội, đó là chúng ta chưa nói đến việc có thể làm “đắt giá hơn” vốn đầu tư.

NGUYỄN CÁT SƠN