Người dân nộp thuế tại điểm thu Ngân hàng Vietcombank chi nhánh thành phố Cần Thơ

Năm 2020 đã đi qua được một nửa chặng đường, nhưng mục tiêu hoàn thành thu ngân sách nhà nước vẫn còn còn rất xa khi những tháng đầu năm đang ghi nhận đà sụt giảm của số thu. Nguyên nhân xuất phát từ những đình trệ trong sản xuất, kinh doanh cũng như tác động từ các gói hỗ trợ của Nhà nước trước dịch bệnh COVID-19.

Từ đầu năm đến nay, thiên tai, đại dịch COVID-19, cùng với suy giảm tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu, giá dầu thô sụt giảm đã có tác động rất lớn đến mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn. Theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra đầu tháng 4/2020, mức độ thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào thời điểm kết thúc dịch bệnh. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam ở mức 4,9%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo là 4,8% và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo là 2,7%. Chính phủ cho rằng, tình hình trên sẽ tác động mạnh đến cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước trong năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020 ước tính đạt 607,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán năm; trong đó thu nội địa đạt 503,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,9%; thu từ dầu thô 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ không đạt dự toán Quốc hội quyết định. Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội quyết định với tổng số thu là 1.512,3 nghìn tỷ đồng.

Theo người đứng đầu ngành tài chính, dự báo nguồn thu ngân sách Nhà nước năm 2020 sẽ giảm do tăng trưởng kinh tế đạt thấp, giá dầu thô giảm sâu và điều chỉnh chính sách thu ngân sách Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh.

Thời gian qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh... Điều này đã tạo sức ép ngày càng lớn đến thu ngân sách Nhà nước.

Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, Bộ Tài chính đã đề xuất miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, phí, lệ phí khoảng 200 nghìn tỷ đồng; trong đó, có thực hiện gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Bộ cũng đã đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19; vật tư, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ đã ra Nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc; Quốc hội đã đồng ý giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết năm 2020; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, phí, lệ phí dù có tác động đến thu ngân sách Nhà nước nhưng là một việc rất cần thiết bởi khi nền kinh tế gặp khó khăn, các chính sách tài khóa vừa có tính giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, những giải pháp về thuế sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy về ngắn hạn có thể giảm thu ngân sách nhưng trong dài hạn doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm. Đây chính là nền tảng để nền kinh tế phát triển bền vững trở lại sau những khó khăn do dịch COVID-19.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán thì phải xem xét, điều chỉnh giảm tương ứng một số khoản chi để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện cần thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trước tác động của dịch bệnh thì vẫn phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội.

Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần triển khai hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân, trong khi vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh.

Cùng với việc hỗ trợ kịp thời sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 bao gồm cả năm 2019 chuyển sang khoảng 700.000 tỷ đồng (bằng 2,2 lần số vốn thực giải ngân năm 2019). Đồng thời tranh thủ, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, dù thu từ dầu thô chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thu cân đối ngân sách nhưng giá dầu bình quân trên thực tế đã giảm mạnh so với dự toán ban đầu sẽ làm giảm nguồn thu trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên Bộ Tài chính vẫn phải tính toán, cân đối lại ngân sách. Năm 2019, thu từ dầu thô ước chiếm 3,2% tổng thu ngân sách; dự toán năm 2020, thu từ dầu thô chỉ chiếm 2,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước

Theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian qua, Bộ đã tập trung cơ cấu lại các khoản thu ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững hơn. Trong đó, Bộ đẩy mạnh tăng thu từ nội địa trong tổng thu ngân sách. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, thu nội địa chiếm khoảng 68,7% tổng thu ngân sách nhà nước thì giai đoạn 2016 - 2020 đã lên tới 81,5%, dự kiến năm 2020 là khoảng 84%.

Tuy nhiên, quản lý thu vẫn cần phải tăng cường hơn nữa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, hải quan với các địa phương trong rà soát, quản lý chặt các nguồn thu; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết, ngành thuế đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế theo các nghị quyết, chỉ thị, giải pháp được Chính phủ ban hành. Đặc biệt, cơ quan thuế các cấp không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tiến tới thực hiện thanh kiểm tra điện tử, trên cơ sở sử dụng tối đa cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiên định triển khai các giải pháp bao quát các nguồn thu; rà soát các khoản thu nhằm tăng cường chống thất thu; thanh, kiểm tra, thu hồi nợ thuế; chống buôn lậu và gian lận thương mại...

Theo TTXVN