Một trong hai chiếc cổng nhỏ vừa được phát hiện sau khi người dân di dời ra khỏi khu vực Kinh thành Huế

Cách đây hơn một tháng, trên facebook của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Bá Thịnh đăng tải hình ảnh chiếc cửa gạch nhỏ nằm bên cạnh chân cống Lương Y. Chiếc cửa cách mặt đất khoảng 70-80 cm, rộng khoảng 80cm, cao gần 1m, đi xuyên qua bức tường dày hơn 1m này lâu nay vẫn ở đó, nhưng bị che khuất bởi căn nhà vừa được giải tỏa. Sau khi được giới thiệu, chiếc cửa đã được một số nhà nghiên cứu tìm đến, trong đó có ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (cũ).

Mới đây, trên báo chí, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đã trình bày một số nhận định của mình về chiếc cửa hiếm được nhắc đến trong các thư tịch của triều Nguyễn. Bằng quan sát, đối chiếu và loại trừ, ông Nguyễn Xuân Hoa tin rằng, hai chiếc cửa nằm ở bên trái, phải phía Đông thành Thủy Quan này có thể đã có vị trí rất quan trọng gắn với đồn binh trấn giữ ở đây. Nó có thể là lối ra vào, nhưng cũng có thể là lối thoát hiểm cho nhà Nguyễn khi có biến. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì đây có thể là hai chỗ đặt súng trấn giữ trước Đông thành Thủy Quan, đã được ông Leopold Cadière đánh dấu vị trí 121 trong quyển Kinh thành Huế đại doanh 1933.

Các nhà nghiên cứu đang tìm lời giải về vai trò của hai chiếc cổng phía Đông thành Thủy Quan

Trước thông tin khác nhau về cùng một sự vật, cuối buổi sáng ngày 26/9, không đợi phải tổ chức hội thảo, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã điện xin gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đặt vấn đề để các nhà nghiên cứu của Trung tâm đến nhà, trao đổi tư liệu và phương pháp nghiên cứu cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa. Qua đó, hy vọng sẽ có chung hướng tiếp cận, sớm tìm được lời giải về vai trò của hai chiếc cửa trái, phải phía Đông thành Thủy Quan để cung cấp cho những người muốn tìm hiểu.

Buổi trao đổi này kéo dài hơn 90 phút, giữa người tóc bạc và những người tóc còn xanh. Ở đây các nhà nghiên cứu rất cởi mở, thẳng thắn trình bày các cơ sở, tư liệu để bảo vệ quan điểm của mình. Điều ngạc nhiên là tất cả đều đọc, dẫn tư liệu từ một số thư tịch giống nhau, nhưng kết quả lại chưa có sự thống nhất. Nguyên nhân có thể là do cách đọc và hiểu của các nhóm... Tuy vẫn còn nhiều thắc mắc chưa có câu trả lời, nhưng kết thúc buổi trao đổi, các nhà nghiên cứu đã rất vui vẻ bắt tay và cảm ơn nhau về những điều vừa được chia sẻ. Thời gian đến, các nhóm vẫn phải tiếp tục tìm tư liệu để làm rõ vai trò của hai cánh cửa bên trái và bên phải phía Đông thành Thủy Quan.

Từ chuyện này chúng ta thấy được thái độ thận trọng, có trách nhiệm của những người làm khoa học. Trước một điều chưa được rõ, họ đã gác lại cái tôi cá nhân để ngồi xuống, mở lòng tiếp nhận, trao đổi nhiều hơn với những người có ý kiến khác mình để có thêm thông tin, rồi từ đó sàng lọc, quyết định bảo lưu hay thay đổi hướng tiếp cận...

Trên thực tế, điều này tưởng đơn giản nhưng lại rất khó, nhất là với một số người làm công tác khoa học. Bể học là mênh mông. Trong nghiên cứu, bên cạnh sự cần mẫn, còn có cả sự may mắn. Đúng, sai đôi khi chỉ là sự kém may vì chưa được, hoặc chưa có điều kiện để tiếp cận nguồn tư liệu mới. Vì vậy, ngồi xuống, hay ngồi lại cùng nhau để chia sẻ, tìm hướng tiếp cận, nó không chỉ giúp cho các nhóm nghiên cứu có thêm thông tin, tư liệu, cách đặt vấn đề mà nó còn giúp các nhà nghiên cứu nói riêng, giới nghiên cứu nói chung tránh được những cuộc tranh luận về học thuật, quan điểm không có hồi kết. Qua đó bảo vệ được hình ảnh của mình trước mọi người. Và có lẽ, không chỉ trong khoa học, mà ngay cả trong cuộc sống - ngồi lại với nhau - vẫn là con đường để hiểu nhau, chia sẻ với nhau, để gạt bỏ bất đồng một cách hữu hiệu.

Bài: DƯƠNG QUANG TIẾN 
Ảnh: PHAN THÀNH