Hạn chế sử dụng túi ni lông trong mua sắm, tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thân thiện thay thế để ngăn rác nhựa, ni lông
Điển hình là các tổ chức hội phụ nữ đã triển khai nhiều mô hình, như: “Phụ nữ hạn chế túi ni lông khi đi chợ”, “Phụ nữ sử dụng giỏ nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Tiết kiệm xanh”, “Tiểu thương hạn chế, tiến đến nói không với túi ni lông”...
Với trên 154 chợ truyền thống cùng với hệ thống nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quầy tạp hoá, lượng bì ni lông dùng để bao gói hàng hoá được tiêu thụ rất lớn. Nhận thấy đây là một trong những nguồn gốc sử dụng và phát sinh rác nhựa, rác ni lông chiếm tỷ lệ cao, ngành công thương đã tập trung tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết với ban quản lý chợ, đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại... cùng hành động để hạn chế, tiến đến không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Chưa vội “nói không” mà chỉ cần mỗi người có động thái “hạn chế tối đa” bằng cách sử dụng giỏ, hộp, ca mèn... hoặc dùng các sản phẩm đựng đồ làm từ những nguyên liệu dễ phân hủy trong môi trường như: giấy, tre, mây, các loại lá cây... để thay thế, bình quân mỗi người cũng đã tiết giảm cho môi trường vài chiếc túi ni lông mỗi ngày.
Vì thực tế, việc tiết giảm, hạn chế sử dụng bao bì ni lông, hộp nhựa sử dụng một lần không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho môi trường mà cả cho kinh tế và nhất là cho sức khỏe người dân. Vì riêng thói quen dùng túi ni lông, hộp nhựa, đồ nhựa để đựng thức ăn, thực phẩm hằng ngày đang là nguyên nhân gieo rắc mầm mống các căn bệnh ung thư, ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh...
Không riêng lĩnh vực tiêu dùng, nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác như dịch vụ ăn uống, giải trí, y tế... cũng đang sử dụng và phát thải lượng lớn rác nhựa khó phân hủy.
Báo cáo nhanh từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, có 5% rác thải y tế là rác thải nhựa. Mỗi ngày có 22 tấn chất thải nhựa thải ra từ các hoạt động y tế. Để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường. Hạn chế sử dụng đồ dùng, vật dụng làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc hội họp...
Trong ngành tiêu dùng và đóng gói, sự kiện thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam gồm 13 công ty lớn trong ngành vào năm 2019 đã thể hiện động thái tích cực trong hợp tác thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu bảo vệ môi trường, xây dựng Việt Nam xanh - sạch - đẹp.
Trong khuôn khổ địa phương, các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể cùng nhau hợp tác xây dựng và triển khai các dự án thí điểm về mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động thúc đẩy giảm thiểu, phân loại, thu gom và tái chế chất thải. Trong đó cần duy trì, phát huy sâu rộng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần” và kế hoạch phân loại rác tại nguồn vừa được UBND tỉnh triển khai.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN