Đền Angkor Wat, một di sản thế giới của Campuchia. Ảnh: Getty Image
Danh sách này bao gồm các đền thờ, di tích lịch sử, ruộng bậc thang và rừng mưa nhiệt đới, tất cả đều có khả năng thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới ghé thăm.
Việc quảng bá các di sản văn hóa và truyền thống dân tộc đã thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch trong khu vực, một phần không thể thiếu trong các chính sách kinh tế của các nước ASEAN. Rất nhiều khách du lịch tìm đến khu vực này vì muốn trải nghiệm các di sản văn hóa và tôn giáo đa dạng, truyền thống dân tộc và kiến trúc thuộc địa.
Theo ước tính, đến năm 2027, các Di sản Thế giới (WHS) của ASEAN có thể sẽ đóng góp tới 563 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực, với mức tăng trưởng hàng năm là 5,7%. Do đó, ngành du lịch và lữ hành trong khu vực sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia thành viên ASEAN phát triển, bằng cách tạo việc làm và tạo điều kiện cho sự phát triển của một khu vực hội nhập.
Các quốc gia thành viên ASEAN, nhất là Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan đã có những bước tiến lớn để gìn giữ và khẳng định vị thế của các WHS ở mỗi nước. Bốn quốc gia này đang nắm giữ đến 27 rên tổng số 38 WHS ở Đông Nam Á trong danh sách của UNESCO.
Tác động của đại dịch
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, các ngành công nghiệp địa phương và nền kinh tế nói chung, trong đó du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch như phong toả, hạn chế đi lại… ở nhiều quy mô đã dẫn đến việc đóng cửa các doanh nghiệp, địa danh, công viên giải trí và cả các WHS tự nhiên và văn hóa.
Ông Ernesto Ottone, Trợ lý Tổng Giám đốc Văn hóa của UNESCO cho biết, ở thời điểm này, 89% các Di sản Thế giới đã bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần. Các bảo tàng và tổ chức văn hóa khác cũng đang tổn thất hàng triệu USD doanh thu mỗi ngày.
Được biết, đền Angkor Wat nổi tiếng ở Campuchia vẫn mở cửa, nhưng vắng bóng du khách nước ngoài do các hạn chế du lịch quốc tế. Các gia đình phụ thuộc vào những việc làm ở trong và xung quanh khu vực Angkor Wat hiện đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, do lượng du khách nước ngoài chỉ riêng ở địa danh này ước tính giảm đến 250.000 lượt mỗi tháng. Ông Moninita Un, giám đốc tổ chức Heritage Watch Campuchia, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cho biết, hơn 75% các doanh nghiệp trong ngành du lịch hiện không hoạt động.
Song song đó, một số quốc gia cũng đang chứng kiến sự gia tăng của nạn săn trộm và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong thời gian đại dịch diễn ra. Ngoài ra, việc sụt giảm nguồn thu từ các điểm di sản khiến cho việc bảo vệ các địa danh này càng trở nên khó khăn hơn.
Trách nhiệm bảo quản
ASEAN có trách nhiệm tập thể trong việc bảo tồn và duy trì các di sản quý giá này vì chúng là nguồn thu nhập cho ngành du lịch của khu vực. Biến đổi khí hậu cũng đang làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương của WHS trước các rủi ro hiện có. Một số mối đe dọa mà các di sản này phải đối mặt có thể kể đến như các sự kiện sinh thái đột ngột, ô nhiễm và sự phát triển nhanh chóng quá mức. Du lịch văn hóa thúc đẩy sự đánh giá và hiểu biết về lịch sử của khu vực, và do đó, chính phủ và các bên phải gìn giữ và bảo tồn WHS của các quốc gia trong khi quảng bá chúng với du khách.
BẢO NGHI (Lược dịch từ The ASEAN Post)