Hỗ trợ cai nghiện giúp người nghiện dứt bỏ ma tuý và hoà nhập cộng đồng

Hỗ trợ ban đầu

Hiện nay, trên địa bàn 9 huyện, thị xã, TP. Huế đều phát hiện có người nghiện ma túy, với 487 người nghiện. Trong số này, có 23 người đang được cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Số còn lại cai nghiện tại gia đình, cộng đồng địa phương.

Đến nay, tại 68 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy trên toàn tỉnh đã thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy để hỗ trợ, tư vấn những đối tượng thuộc trường hợp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tham gia áp dụng các biện pháp cai nghiện phù hợp, hiệu quả.

 Điển hình như thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) được sự hỗ trợ các ban ngành, đoàn thể các cấp, địa phương này đã thành lập tổ tư vấn cai nghiện ma túy từ năm 2018. Qua đó, tổ đã phối hợp với Trạm Y tế Lăng Cô xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giúp các trường hợp nghi nghiện ma túy trên địa bàn hiểu và cách phòng ngừa, cai nghiện ma túy tại gia đình. Hàng tuần, hàng tháng có cán bộ bám từng địa bàn dân cư, nhất là những đối tượng thanh thiếu niên có nguy cơ cao nghi nghiện ma túy để tư vấn phòng ngừa, hướng dẫn đi xét nghiệm, phát hiện kịp thời nếu lây nhiễm HIV... Nhờ cách làm này, hiện ở thị trấn Lăng Cô gần 35 đối tượng thanh niếu niên có nguy cơ cao đã được quản lý, tư vấn hỗ trợ giáo dục để xa lánh "khói nâu, khói trắng" trước đây.

Có con bị nghiện ma túy, ông NM. ở TDP An Cư Đông (thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc) chia sẻ: Sau khi con bị nghiện ma túy, điều kiện kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Vì không đủ khả năng đưa con đi cai nghiện tự nguyện tại cơ sở tập trung, nên ngoài sự chăm sóc, quản lý của người thân, gia đình phải gửi gắm, trông cậy vào Tổ tư vấn cai nghiện ma túy ở địa phương, để giúp con sớm cai nghiện, có sức khỏe tốt, trở lại làm việc, sinh hoạt ổn định.

Bác sĩ Phạm Văn Lợi, Trưởng trạm y tế thị Lăng Cô cho biết, kể từ thời điểm Tổ tư vấn cai nghiện ma túy ra đời, nhiều trường hợp có nguy cơ cao, như NNA. (TDP An Cư Đông), LPS. (TDP Loan Lý)... được quản lý, theo dõi hỗ trợ tinh thần nên đã vượt qua sự cám dỗ, có lối sống lành mạnh, nhiều trường hợp cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng.

Vừa hỗ trợ, vừa quản giáo

Một trong những mục đích của việc cai nghiện tại cộng đồng là để người nghiện được gia đình, người thân có điều kiện ở gần để thường xuyên động viên, hỗ trợ trong cai nghiện. Mặt trái của việc cai nghiện tự nguyện này là người nghiện tự do sinh hoạt tại địa phương, trong khi một số chưa quyết tâm, không có ý chí vượt qua cám dỗ. Nên chỉ cần thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình, địa phương và các tổ chức xã hội, thì những đối tượng nghiện tìm cách gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè xấu, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy.

Theo đánh giá của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội- Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng vẫn gặp vướng mắc, khó khăn. Đơn cử khó khăn trong việc điều trị cắt cơn, giải độc. Hiện, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn chưa có cơ sở điều trị cắt cơn nghiện riêng biệt theo quy định về cơ sở vật chất, thiết bị phải có phòng khám, cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng thường trực của cán bộ y tế, bảo vệ... Ngay cả việc xác định tình trạng nghiện, các trạm y tế xã vẫn chưa đủ điều kiện mà phải phối hợp với tổ công tác cai nghiện chuyển tuyến lên trung tâm y tế tuyến trên để xác định tình trạng nghiện.

Về phía ngành y tế, ông Nguyễn Phương Huy, Phó Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, để điều trị cắt cơn, giải độc, người nghiện phải đến các chuyên khoa điều trị ở địa phương để thực hiện mới đảm bảo các điều kiện đối với cơ sở điều trị cắt cơn nghiện theo quy định của pháp luật, còn tại trung tâm y tế các huyện, thị xã, TP. Huế chưa có khu vực điều trị cắt cơn, phòng lưu bệnh nhân chuyên biệt. Nên, đây cũng là một trong những điểm hạn chế trong hoạt động cắt cơn nghiện cho người nghiện, nhất là khi đa phần trường hợp nghiện đều gặp khó khăn về kinh tế.

Thực hiện đề án "Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020", thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng các mô hình, như: Điểm tư vấn cai nghiện ma tuý và Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng được triển khai thực hiện tại Trung tâm Y tế A Lưới, các phường: Phú Hội, Phú Hoà, Thủy Biều (TP. Huế), thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc)... Cùng với các vai trò, nhiệm vụ của tổ tư vấn cai nghiện ma túy tại các địa phương, các mô hình điểm này đã phát huy hiệu quả bước đầu, giúp nhiều đối tượng dứt bỏ sử dụng ma túy, hoà nhập cộng đồng, tìm được việc làm. Sắp tới, các tổ, điểm tư vấn chăm sóc và hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng sẽ tiếp tục được nhân rộng, đổi mới, góp phần thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN