ASEAN cần hài hòa các tiêu chuẩn để thúc đẩy sự phục hồi của ngành hàng không.  Ảnh minh hoạ: Baomoi

Tuy nhiên, ASEAN đang thiếu các tiêu chuẩn thống nhất trong lĩnh vực này, gây ra những bối rối cho hành khách và tạo ra một môi trường đầy thách thức cho các hãng hàng không.

Ví dụ, một số quốc gia ASEAN vẫn đang yêu cầu các hãng hàng không phải giữ ghế trống giữa các hành khách và không bay hết công suất, mặc dù các hướng dẫn toàn cầu khuyến nghị không nên hạn chế năng lực bay.

Ngoài việc thiếu các tiêu chuẩn thống nhất về sức chứa chỗ ngồi và xét nghiệm COVID-19, ngành hàng không của các nước trong khu vực còn có sự khác biệt về thủ tục lên máy bay, hành lý cabin và nhà vệ sinh.

Thực tế, việc đặt ra các tiêu chuẩn cho du lịch hàng không không hề dễ dàng được khi rất nhiều thứ đã thay đổi nhanh chóng kể từ khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào tháng 3.

Tuy nhiên, ngành hàng không toàn cầu đã có phản ứng vào đầu tháng 6 với hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), được soạn thảo bởi một lực lượng đặc nhiệm sau khi tham khảo ý kiến ​​với các bên liên quan trong ngành, hiệp hội ngành và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mục tiêu hướng dẫn của ICAO là hài hòa các tiêu chuẩn trên toàn thế giới, tuy nhiên, một số quốc gia vẫn chưa tuân theo các khuyến nghị, dẫn đến sự chắp vá các quy định một cách khó hiểu. Đặc biệt, nhu cầu này càng trở nên cấp bách hơn với các nước ASEAN.

Trong bối cảnh đó, Ban Thư ký ASEAN, với sứ mệnh chung là thúc đẩy hợp tác liên chính phủ và tạo điều kiện hội nhập, chính là nền tảng để hỗ trợ đối thoại và thúc đẩy thay đổi vì lợi ích chung của 10 quốc gia thành viên. Theo đó, ASEAN nên ủng hộ và tạo điều kiện cho các tiêu chuẩn và quy định thống nhất, vốn rất cần thiết để hỗ trợ việc nối lại du lịch quốc tế trong khu vực Đông Nam Á.

Đến thời điểm hiện tại, du lịch nội địa đã được nối lại ở khắp các nước ASEAN, nhưng số lượng chuyến bay chở khách quốc tế theo lịch trình trong khu vực hiện chỉ đang hoạt động ở mức khoảng 2% so với bình thường. Trong khi đó, các chuyến bay quốc tế ở các khu vực khác đã được khởi động lại với tốc độ nhanh hơn, nhất là ở châu Âu.

Theo các chuyên gia trong ngành, để bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu này, ASEAN sẽ cần các tiêu chuẩn thống nhất để tạo thuận lợi cho các chuyến bay giữa các quốc gia và thúc đẩy mô hình “bong bóng du lịch”.

Trong vài tuần qua, đã có nhiều cuộc thảo luận trên khắp châu Á về “bong bóng du lịch” hoặc “hành lang xanh” nhưng tốc độ thực hiện đang chậm so với các khu vực khác, nhất là châu Âu. Hiện vẫn chưa có bất kỳ “bong bóng du lịch” nào giữa các nước ASEAN. Do đó, Ban thư ký ASEAN cần thúc đẩy bong bóng du lịch và xây dựng khuôn khổ để khởi động lại du lịch hàng không trong khu vực nói riêng và quốc tế nói chung.

BẢO NGHI

(Lược dịch từ CNA)