Chăm sóc bệnh nhân điều trị đột quỵ
Tỷ lệ tử vong cao
Trời nắng nóng khiến người bệnh căng thẳng, mệt mỏi, thân nhiệt tăng, cơ thể tiết nhiều mô hôi nên dễ mất nước, làm cô đặc máu và tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối dẫn đến đột quỵ. Thêm nữa, thời tiết nắng nóng khó chịu nên thường dùng máy lạnh. Khi ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ thấp, đột ngột bước ra bên ngoài với nhiệt độ cao hơn, nhiều trường hợp sốc nhiệt xảy ra tăng nguy cơ đột quỵ.
Tại thời điểm này, Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế có hơn 50 giường bệnh nhưng đã bị quá tải, phải kê thêm giường phụ để đáp ứng nhu cầu điều trị cho số lượng bệnh nhân tăng cao trong mùa nắng nóng.
BSCK II. Dương Đăng Hóa, phụ trách Trung tâm, dẫn chúng tôi thăm một nam bệnh nhân nhập viện từ hai tuần trước. Bệnh nhân này bị tai biến mạch máu não do vỡ túi phình mạch não khi đang làm nhiệm vụ dẫn đoàn đua xe đến Huế. Nhập viện trong tình trạng mê sâu, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, ngay khi nhập viện, bệnh nhân được khẩn trương can thiệp tắc túi phình, mổ sọ não lấy máu tụ và giảm áp. Hiện, bệnh nhân đã tỉnh và đang tiếp tục có tiến triển hồi phục tốt.
Theo phân tích của ThS. BS. Lê Vũ Huỳnh (Phó Trưởng khoa Đột quỵ), đột quỵ là cách nói phổ thông của bệnh tai biến mạch máu não. Tai biến mạch máu não có 2 loại chính, gồm tắc mạch gây nhồi máu não và vỡ mạch máu. Tắc mạch gây nhồi máu não xảy ra khi mạch máu nuôi vùng não nào đó bị tắc, khiến não bị tổn thương. Còn khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào nhu mô não hoặc các tổ chức quanh nhu mô não, gây xuất huyết nội sọ. Mỗi bệnh cảnh có nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ riêng, nhưng giữa chúng vẫn có một số đặc điểm liên quan nhau.
Đối với bệnh cảnh nhồi máu não, 60-70% trường hợp có nguyên nhân từ bệnh lý mạch máu. Theo thời gian và tuổi tác, mạch máu con người bị xơ vữa. Các mảng xơ vữa dày lên trong nội mạc mạch máu làm hẹp lòng mạch và có thể khiến mạch máu bị tắc. Hoặc các mảng xơ vữa bong tróc ra hay tạo khối trôi lên não gây tắc mạch máu não. Ngoài ra, đột quỵ do nhồi máu não còn có nguyên nhân quan trọng khác khá phổ biến là các bệnh lý tim. Trong đó, nguy hiểm nhất là rung nhĩ – một bệnh cảnh về rối loạn nhịp tim, tạo ra những cục huyết khối trong buồng tim, khi bị đẩy lên não, gây đột quỵ. Thông thường, đột quỵ do huyết khối từ tim để lại hậu quả rất nặng nề và người lớn tuổi thường hay bị hơn người trẻ.
Kiểm soát huyết áp
“Xơ vữa mạch máu và bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ nhồi máu não. Đáng nói, ở cả hai nguyên nhân này thì tăng huyết áp chính là nguy cơ phổ biến nhất. Huyết áp tăng cao dễ làm thay đổi cấu trúc mạch máu, làm bong tróc và đẩy trôi các mảng xơ vữa gây đột quỵ hoặc gây tổn thương các mạch máu nhỏ. May mắn là mỗi người đều có thể dự phòng được nguyên nhân này và thay đổi chúng bằng cách tầm soát, điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp, giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến xơ vữa mạch máu. Theo dõi và kiểm soát huyết áp bên cạnh tầm soát và điều trị bệnh lý tim mạch nếu có là quan trọng hàng đầu để dự phòng đột quỵ. Kiểm soát tốt huyết áp có thể giảm được 50% nguy cơ đột quỵ.”, bác sĩ Lê Vũ Huỳnh nhấn mạnh.
Theo thống kê y học của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Haifa (Israel), số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào mùa hè, đặc biệt tập trung vào những khoảng thời gian có những đợt nóng đỉnh điểm. Cứ nhiệt độ tăng 1 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng 10% trong vòng 6 ngày. Nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ vào mùa hè có thể do: Thời tiết mùa hè thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao dễ dẫn đến biến động huyết áp ở những người có tăng huyết áp không được kiểm soát tốt. Trong những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao, cơ thể chúng ta mất nước qua hơi thở, mồ hôi nhiều hơn có thể gây rối loạn về đông cầm máu. Trời nóng nên con người có nhu cầu đi tắm để giải nhiệt, đặc biệt với những người làm việc ngoài trời. Trong khi đó cơ thể đang trong trạng thái mất muối, nước dẫn đến tình trạng máu cô đặc lại. Ngoài ra, khi trời càng nóng, nếu người dân để điều hòa ở nhiệt độ thấp, ra khỏi môi trường điều hòa thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dẫn đến sốc nhiệt, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Theo số liệu của ngành y tế, mỗi năm ước tính Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, với hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế. Tuy tuổi tác là một trong những yếu tố gia tăng đột quỵ, nhưng như vậy không có nghĩa là đột quỵ miễn nhiễm đối với người trẻ tuổi. Lời khuyên của chuyên gia y tế, bất cứ ai nếu xuất hiện những dấu hiệu: tự nhiên bị méo miệng, nhân trung lệch, hoa mắt chóng mặt, đau nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân, tay chân một bên trở nên tê mỏi, khó cử động, môi lưỡi bị tê cứng, miệng khó mở, đau thắt ngực, khó thở, hồi hộp trống ngực, vã mồ hôi, ngất xỉu... thì nhanh chóng tìm sự trợ giúp để được kiểm tra y tế và chuyển đến trung tâm đột quỵ cấp cứu kịp thời.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN