Lúc đó, chị đã hơi ngần ngại vì cái sự lom khom của mình, nhưng đúng là chị không chỉ biết, mà còn thích. Loại rau này có một vị rất riêng, ăn mát, nhất là nấu với tôm, ngon hơn thì có nước rạm để nấu cùng.

Lần đầu tiên chị ăn bát bát nấu canh, đâu quãng gần 20 chục năm về trước. Chị nhận ra phong vị lạ, trong đám rau tập tàng mệ nấu và tẩn mẩn hỏi về loại lá lần đầu tiên mình thấy. Biết chị thích, thi thoảng mệ lại ghé qua chợ, tìm chúng cho “cô chủ nhỏ”. Đám rau từ làng lên, vẫn tươi tắn khi được lôi ra từ túi ni lông. Thêm một vài quả cà muối chua dầm ruốc ớt, là chị đủ cho một bữa trưa. Chị nhớ cách mà mệ cười, răng đen vì nước trầu nhuộm trong câu nói “o cứ ăn ri hoài, chắc giàu để mô cho ngạ!”.

Sau này, khi mệ không thường ghé, món canh bát bát chị ăn chừng như cũng không còn đậm đà như xưa. Chị lúc nào cũng thấy như thiêu thiếu cái gì. Mấy đứa nhỏ có vẻ cũng không ham thức ăn mẹ nấu – là chị đoán thế qua sự chểnh mảng trong bữa cơm. Chồng chị thi thoảng lại bỏ nhỏ “không ai nấu qua được mệ…”.

Hôm kia bếp nhà tự nhiên ấm hẳn khi có sự xuất hiện của mệ. Cũng vẫn là cơm thường ngày thôi, mà ấm và vui hẳn. Trông hai cô nhỏ xì xụp trong một nhịp độ đến là vui. “Đến cơm trắng mà cũng ngon nữa…”. Chị lại thấy mệ cười, sau câu nói của cô út, thường ngày hay chuyển sang tự làm món mì Ý hay cơm cuộn kiểu Hàn Quốc.

Thốt nhiên, chị thấy sống mũi mình cay. Mệ đến khi cô út mới sinh được ngày thứ hai. Sau mẹ, sau ngoại là mệ. Mà cũng chưa hẳn là thứ tự đó. Giờ thì cô út sắp xa nhà vào đại học ở một trường xa. Con bé giờ đã cao hơn mệ đến một cái đầu rồi mà thấy mệ vẫn ríu rít như ngày còn bé xíu, được mệ ẵm trên tay đi rong dỗ ăn xong chén cơm.

“Tui để nạm rau bát bát trong ngăn mát. Mơi o nhớ mua rạm về nấu. Mùa ni rau đang non. À tui có xin được mấy cây nhỏ, o nhớ mang lên nhà dặm xuống và bắc chói cho hắn leo. Dăm ba tuần là có rau ăn thôi” – mệ nói với chị khi sửa soạn để về.

Chỉ là bát bát thôi, nhưng chị cảm thấy may mắn vì nhà mình có mệ.

An Chi