Phụ nữ Huế sống an tĩnh, kín đáo. Ảnh: CL
Những vùng có con gái đẹp nổi tiếng nước ta là Hà Nội, Tây Bắc, Hải Phòng, Đà Lạt, Thái Mường Lè (Thanh Hóa), Mường So (Lai Châu), Nha Mân (Đồng Tháp), Tuyên Quang… Con gái mỗi miền có vẻ đẹp đặc trưng cho thổ nhưỡng, khí hậu và dinh dưỡng đất mẹ. Con gái Hà Nội thanh lịch, sang trọng; con gái Sài Gòn rực rỡ, sành điệu; con gái miền Tây mặn mà, chất phác; con gái vùng Tây Bắc mộc mạc với làn da trắng hồng hửng nắng.
Thật là thiếu sót lớn khi không nhắc đến Huế, “miền gái đẹp”. Lấy được một cô gái sông Hương thảo hiền làm vợ là niềm hạnh phúc và ao ước của các chàng trai Việt: “Gió cầu vương áo nàng Tôn nữ/ Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ” (Đông Hồ).
Phong thái con gái Huế mang đậm cốt cách cung đình, dòng máu hoàng tộc đã lan tỏa đến từng phố thị và nông thôn xứ Huế. Thời nhà Nguyễn, việc tuyển chọn cung nữ, phi tần gắt gao về nhiều mặt: nhan sắc, trí tuệ, phẩm hạnh và xuất thân. Cố đô không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước mà còn là cái nôi nhan sắc, nơi hội tụ những thiếu nữ có tham vọng lọt vào “long nhãn”.
Thấm nhuần nếp sống giản dị và gia giáo từ các mẹ, các mệ, con gái Huế sống chừng mực để giữ gìn nhan sắc và phẩm giá. Người Huế, đặc biệt là phụ nữ Huế, dạy con rất nghiêm, đi đứng nằm ngồi phải luôn ý tứ, không suồng sã, kém duyên. Con gái Huế ít đi chơi sau 9 giờ đêm, mỗi lần đi phải được sự đồng ý của gia đình; các cô được bố mẹ khuyến khích lựa chọn những công việc nhàn nhã để có thời gian chăm sóc gia đình và chăm sóc bản thân, duy trì thần thái, sắc vóc.
Dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng để phát huy tối đa tiềm năng sắc đẹp của các cô gái Huế. Hệ sinh thái, nguồn thực phẩm phong phú, sạch sẽ, tươi ngon, nước sông Hương trong mát, ngọt lành, cô gái Huế thường không ăn nhiều vào buổi tối cũng như thức quá khuya để giữ gìn làn da khỏe mạnh và tươi trẻ.
Trong làm đẹp, con gái Huế hướng đến phong cách thanh lịch và có chút gì đó hoài cổ. Cô gái Huế chọn lối trang điểm tự nhiên, đôi khi chỉ để da mộc, thêm chút son, má hồng nhẹ nhàng cũng đủ xinh xắn, đáng yêu. Con gái Huế chuộng những tông màu quần áo hơi trầm, chất vải thô, thân thiện với thiên nhiên; phối đồ nhã nhặn, lịch sự, giản dị mà sang trọng.
Phụ nữ Huế sống an tĩnh và kín đáo, tuy yêu thích nghệ thuật nhưng ít người chọn tham gia vào giới giải trí nên những giai nhân Huế thường chỉ “hữu xạ tự nhiên hương”. Ngọc Trân, “Hoa khôi Quốc Học” với dự án “Nàng thơ xứ Huế” được chiếu trên các chuyến bay nội địa, quốc tế và kênh KBS World Hàn Quốc, có vóc người mình hạc xương mai tha thướt và đường nét gương mặt hài hòa và dễ mến. Tôn Nữ Na Uy, Lê Nhã Uyên với vẻ đẹp nền nã, đằm thắm đậm chất Huế gây ấn tượng với khán giả tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010.
Ở cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2017, Hà Thu, cô gái Huế mang nét đẹp vừa truyền thống vừa năng động, hiện đại, cùng khả năng tiếng Anh trôi chảy được khán giả đặt nhiều kỳ vọng sẽ đăng quang, nhưng cô không may mắn chỉ dừng chân ở top 16. Dao Ánh, nàng thơ của Trịnh Công Sơn, người mang vẻ đẹp trí tuệ và đài các, đã gợi cảm hứng cho người nhạc sĩ tài hoa viết nên những bản tình ca đầy xúc cảm, như “Mưa hồng”, “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Xin trả nợ người”…
Ngày xưa, hình ảnh người con gái Huế thường gắn với tà áo dài tím, chiếc nón bài thơ, đôi mắt trầm buồn mơ mộng và mái tóc thề nữ tính. Nay hòa cùng nhịp sống hiện đại, không mấy người giữ được (hay muốn giữ) suối tóc dài chấm gót, màu sắc cũng không còn nguyên thủy như trước. Nhưng những cô gái Huế vẫn mang nét cổ kính và mềm mại đã thấm nhuần trong máu huyết, phảng phất trong từng cử chỉ, lời nói. Giữa chốn Sài thành tấp nập ngược xuôi, bạn vẫn có thể dễ dàng nhận ra một cô gái gốc Huế với giọng nói ngọt bùi đặc trưng và tiếng dạ, tiếng thưa e ấp, ngại ngùng, dễ thương.
Huế mình có 3 đặc sản lớn, đáng để tự hào và gìn giữ lắm: đó là quần thể kiến trúc cung đình, văn hóa ẩm thực và vẻ đẹp cổ điển của người con gái Cố đô!
Lê Thục Đan