Trai chèo trước giờ đua

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm Mậu Tý (1648), đáo hạn 3 năm một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, kết hợp với lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền làng An Bằng được tổ chức đến nay đã 125 lần với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng để bà con yên tâm vươn khơi bám biển, con dân địa phương khắp nơi bình an, khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi.

Hội đua bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 9 tháng 5 Âm lịch, do kinh phí hạn hẹp nên ngư dân tổ chức đua bè mi ni (làm bằng bọt xốp), là phương tiện đánh bắt gần bờ đặc trưng 5 năm trở lại đây của ngư dân An Bằng thay cho ghe nan truyền thống (thuyền lớn). Để giữ được sự trang nghiêm của lễ hội, nơi tổ chức hội đua trên bãi biển được dọn dẹp sạch sẽ, những lá cờ xanh, đỏ, vàng biểu tượng của các đội vừa dùng xác định ranh giới, vừa tạo điểm nhấn giúp không khí lễ hội thêm rộn ràng. Vận động viên là những người có tay chèo điêu luyện được các thôn chọn, cùng các trai chèo có mặt từ sáng sớm để khởi động. Không lâu sau đó, bà con lần lượt đến bãi biển để xem và cổ vũ cho các đội.

Cụ Lê Tây, ở thôn Định Hải, năm nay 75 tuổi, đến lễ hội trong trang phục khăn đóng áo dài đen, nói: “Tui lớn lên thì đã thấy làng tổ chức lễ hội, hồi trẻ thì cùng tham gia đua thuyền, lớn tuổi thì tới cổ động con cháu”.

Làng An Bằng có 3 thôn là Bắc Thượng, Định Hải và An Mỹ chia làm 3 đội, nên 3 màu chủ đạo được chọn cho các đội là xanh, đỏ, vàng. Các đội bốc thăm chọn màu trước đó 1 tháng để kịp sơn thuyền, chuẩn bị áo đồng phục và cờ. Phương thức vẫn là đua 3 Táo (Táo Cúng, Táo Tiền và Táo Phá), tức đua ba vòng sáu tráo nhưng các bè được đặt gần hơn và mỗi bè đua có 2 vận động viên, còn gọi là trai chèo. Nét độc đáo của lễ hội là cuộc đua không nặng nề chuyện thắng thua mà mục đích là giữ nét đẹp văn hóa truyền thống nên thu hút được sự nhiều người dân đến xem.

Ông Trương Thanh Long, một trong những thành viên ban tổ chức lễ hội, cho biết: “Để tổ chức hội đua quy mô, kinh phí cũng cần khoảng vài trăm triệu đồng. Ban đầu chúng tôi do dự, nhưng nghĩ từ xưa đến nay, dù không ít lần gặp khó khăn nhưng lễ hội cũng chưa hề bị gián đoạn nên bà con đều đồng lòng rằng dù to nhỏ gì cũng phải tổ chức để giữ gìn truyền thống”. Tuy số lượng người đến tham dự lễ hội lần này có giảm, nhưng không ít kiều bào của Vinh An ở các nước vẫn gửi tiền về hỗ trợ lễ hội. Còn ở quê nhà, bà con tự nguyện đóng góp, người ít thì một trăm ngàn đồng, người có điều kiện thì đóng tiền triệu. Ông Long cho biết thêm.

Ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An, vui mừng: “Thông qua hội đua lần này, chúng tôi thấy được sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết của bà con làng An Bằng trong việc giữ gìn nét đẹp truyền thống ông cha”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN