Khuynh Diệp Viễn Đệ trên Phụ nữ Tân văn năm 1934
Chuyện nhà Viễn Đệ với dầu tràm Khuynh Diệp từ năm 1929 ít nhiều sẽ giúp thêm tài liệu về một sản vật đặc trưng xứ Huế, nhất là ý nghĩa và chức năng y dược học của nó trong việc phòng chữa bệnh.
Tôn Thất Viễn Đệ là con trai ông Tôn Thất Chiêm Thiết - phòng Ðịnh Viễn quận vương (hoàng tử thứ 6 của vua Minh Mệnh - Tịnh Hoài Chiêm Viễn Ái...), từng đảm trách một số chức vụ quan trọng như tri phủ Quảng Trạch, Bố chánh Bình Định... (Công báo Trung kỳ, số 7 ngày 30/5/1935, tr. 37). Ông Viễn Đệ từng là giáo viên tiểu học bậc 8, hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Lăng (Nghị định ngày 12/4/1927 của Khâm sứ Trung kỳ).
Sau khi thôi học, ông bắt đầu làm nghề giáo ở tỉnh Quảng Trị, vùng đất có mọc nhiều cây tràm. Có lẽ, do khát vọng “làm việc lớn” đó mà nghề giáo như không thỏa mãn được tấm lòng hăng hái hoạt động, nên không lâu sau, ông đã từ giã chốn nhà trường để bước chân qua con đường thực nghiệp. Tháng 3/1929, Công ty Viễn Đệ ra đời (11 Quai de la Suisse - Hue, nay là đường Phan Đình Phùng, mặt sau là Rue Doudart de Lagrée - Trần Thúc Nhẫn), khi ông chủ mới ngoài 30 tuổi.
Chỉ sau 5 năm, ông trở thành chủ nhân một hãng buôn lớn, quy mô thường xuyên có tới 200 nhân công, tiền lương phát ra hàng tháng không dưới 2 ngàn đồng bạc. Bên bờ sông Bến Ngự, có một tòa nhà đồ sộ với cảnh tượng nhộn nhịp của hãng dầu Khuynh Diệp Viễn Đệ. Toàn bộ dầu được chế tạo từ các sở Sa Lung (Quảng Trị), Phương Xuân (Đồng Hới, Quảng Bình), An Nông (Phú Lộc, Thừa Thiên)..., tập trung về đây rồi mới phân phối tiêu thụ khắp nơi: người chiết dầu vào chai, người đóng nút dán nhãn, người lo gói lo bao, người làm sổ sách, với mấy mươi người làm việc mỗi ngày...
Quảng cáo Khuynh Diệp năm 1931
Ông còn dựng lò làm ve chai để đựng dầu, lại mở nhà in riêng để in các thứ nhãn mác bao bì, lại sắm sẵn ba chiếc xe hơi chở hàng. Ông cho mở riêng tờ báo chuyên làm quảng cáo cho Khuynh Diệp. Điều đó đã làm nên tính đặc biệt của Khuynh Diệp, từ khi hái lá tràm ngoài đồng, cho tới khi vô ve và phát thụ, nhất thiết vật gì cũng là của nhà Khuynh Diệp làm ra; yếu tố nội hóa hoàn toàn, trở thành gương nổi bật cho mọi người trên con đường thực nghiệp.
Khuynh Diệp chiếm lĩnh thị trường Bình Trị Thiên và cả nước, với hệ thống đại lý phân phối rộng khắp: “Thế lực của thứ dầu này ở Kinh đô thật có hơn chớ không kém cái thế lực của dầu Nhị thiên đường ở Chợ Lớn hay Sài Gòn”. Dầu Khuynh Diệp “đến đâu thì các thứ dầu khác phải nhường bước tránh đường”, dệt nên câu chuyện Khuynh Diệp “ẩn tàng một cái lịch sử rất vẻ vang mà hãy còn ít người được biết, khiến cho người hữu tâm với thực nghiệp không thể nào nhìn được mà đừng biểu dương ra, ngỏ hầu để khuyến khích chung cho hết thảy ai ai có chí về thương mãi công nghệ”.
Một ký sự hành trình đầu thế kỷ XX cho biết từ Hải Vân ra Bắc, qua khỏi đèo Phú Gia thì con đường hết núi. Hai bên cỏ hoang, cây rừng, nhất là cây tràm mọc vô số. Đó là thứ cây có dầu để làm dầu Khuynh Diệp,“do nhà kỹ nghệ Viễn Đệ ở Huế đã chế tạo”. Nhờ đó, dân quê sống được, hàng ngày ra rừng đốn cây tràm, gánh hai bó to nặng lặn lội về bán cho sở, một gánh chừng 2-3 xu” (Nguyễn Thị Kiêm, 1934, “Dọc đường từ Nam ra Bắc (tiếp theo)”, Phụ nữ Tân văn, số 271, ngày 20/12/1934, tr. 13).
Nhờ vậy, hãng dầu Khuynh Diệp đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Long bội tinh năm 1930, Kim Khánh hạng nhì và Ngân tiền hạng ba - 1931; một pho tượng gỗ, chứng chỉ danh dự theo cuộc đấu xảo Trí tri Hải Phòng; Ngân tiền hạng nhất với phần thưởng hạng nhất theo cuộc Đấu xảo Mỹ nghệ Huế; Danh dự chứng chỉ trong Đấu xảo Khoa học Hà Nội; Bằng cấp hạng nhất Hội chợ Phụ nữ Sài Gòn.
Khuynh Diệp Viễn Đệ càng ngày càng mở rộng, xe vận chuyển vào Nam ra Bắc từ vài tháng một chuyến đã tăng lên hàng tháng, và cả sang Lào, đến tận các thành phố, các chợ, với khoảng 3.000 đại lý khắp Đông Dương. Cách quảng cáo, cách bán hàng hết sức công phu tốn kém nên tiêu thụ mạnh. Hiệu Khuynh Diệp nhận đứng phát hành “các món hàng đứng đắn của các nhà chế tạo chân chính ta”, đề cao chất lượng hàng nội hóa, lòng tự hào dân tộc. Thậm chí Khuynh Diệp báo là một tờ báo biếu không, làm cơ quan riêng cho hiệu Viễn Đệ cũng như các nhà công thương Việt Nam (Phụ nữ Tân văn, số 174, ngày 27/10/1932, tr. 10).
Có thể đầu thế kỷ XX, người dân vùng Bình Trị Thiên đã biết đến kỹ nghệ chưng cất dầu tràm theo lối thủ công dân gian nhưng với những tài liệu ít ỏi có được, cần khẳng định dấu ấn, công lao nổi bật của Khuynh Diệp Viễn Đệ trong việc kỹ nghệ hóa dầu tràm, với nhiều công hiệu, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dân mọi thành phần, lứa tuổi, giới tính, trong mọi hoàn cảnh.
Bài, ảnh: Trần Đình Hằng