Rất nhiều khu đô thị mới mọc lên trên đất ruộng

Lẽ đời, tạo lập thì khó, nhưng hủy đi thì lại cực dễ. Nhằm phục vụ nhu cầu cư trú, hoặc các mục tiêu “phát triển kinh tế xã hội” khác, nhiều thập kỷ qua, rất nhiều diện tích ruộng lúa, đất sản xuất nông nghiệp cả trong nam, ngoài bắc đã bị san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng. Trên những cánh đồng xưa, bây giờ là những “khu quy hoạch”, khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch… Đó là nói những diện tích chuyển đổi “danh chánh ngôn thuận”, công khai và hợp pháp; chưa nói đến những diện tích bị “phù phép” vì tư lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Đấy là một câu chuyện dài, nhiều hệ lụy và “không hề đơn giản”. Mà dù trong trường hợp nào đi nữa, khi thấy những đồng đất, ruộng lúa mà bao thế hệ tiếp nối từng còng lưng vun xới cấy cày nay bị san lấp, nhiều người đã không tránh được cái cảm giác mất mát, hụt hẫng, xót xa…

Anh bạn tôi có lẽ là một trong số những người như vậy. Trong lúc người ta chọn thành phố để đầu tư bất động sản, bởi nó dễ sinh lợi và sinh lợi nhanh, anh lại chạy tuốt về một vùng nông thôn thật xa, mua cái vườn để hễ có thời gian là lại chạy về cuốc xới, trồng tỉa… Hôm qua, anh đưa lên dòng thời gian chuyện liên quan đến đất đai của các nước. Anh kể đại ý, để có được lớp đất màu mỡ cho trồng trọt, thiên nhiên cộng với công sức con người phải đổ ra có khi cả ngàn năm. Do vậy, khi có việc phải biến khu đất ấy vào mục đích khác, trước khi san lấp, xây dựng, chính quyền bắt buộc nhà đầu tư, chủ sử dụng đất… phải lấy bằng hết lớp đất màu mang dồn về một chỗ, để từ đó có thể di chuyển đến nơi khác, tạo tầng đất mặt tiếp tục phục vụ canh tác…

Chưa có dịp để hỏi anh cụ thể đó là cách làm của những quốc gia nào, nguồn tài liệu mà anh tham khảo… Nhưng cho dù “xuất xứ” từ đâu đi nữa, vẫn phải thừa nhận rằng đó là cách làm hết sức nhân văn và có trách nhiệm. Bởi lẽ như đã nói, cái lớp đất màu mỡ thơm tho ấy là mồ hôi, là máu xương của cha ông, là lịch sử kết tinh mà thành. Nâng niu, gìn giữ nó là việc làm đương nhiên, là trách nhiệm phải có của hậu thế. Vậy nên, dù là của xứ nào đi nữa thì cũng rất nên áp dụng vào xứ mình. Có thể việc làm ấy sẽ gây tốn kém thêm một ít thời gian, vài chục, vài trăm ca máy của nhà đầu tư, nhưng là sự tốn kém hoàn toàn “xứng đồng tiền bát gạo”. Một em nhân viên trong cơ quan mới xây được nhà, hôm kia vừa thủ thỉ với tôi, rằng làm xong cái nhà, để trồng được ít cây xanh cho mát mẻ, em phải chạy đôn chạy đáo tìm mua ít khối đất màu. Ba trăm năm chục ngàn đồng một khối, không bớt. Ngang với giá cát xây dựng thời đắt đỏ! Đó, chưa tính trong dài hạn, chỉ ngắn hạn trước mắt thôi đã thấy lấy lại lớp đất màu trước khi san lấp là không hề lỗ…

Bài, ảnh: HUY KHÁNH