Chị Bạch đã có nghề may ổn định

Nở mày nở mặt

Chúng tôi ghé nhà chị Bạch khi nắng chiều đã dịu. Câu chuyện lại thêm phần rôm rả với sự có mặt của vài chị khách may và hàng xóm qua chơi. Chị Bạch vui vẻ: “Được Nhà nước quan tâm nên chừ tui đỡ lắm, đã qua được cái nghèo rồi”.
Với chị Bạch hôm nay, sẽ khó để người đối diện nhìn thấy hình ảnh của người đàn bà lam lũ, từng suốt thời gian dài đầu tắt mặt tối theo guồng quay của cơm áo gạo tiền. Vợ có nghề may từ thời con gái, nhưng với đàn con nheo nhóc nên phải dẹp máy để trông con và lo cơm nước. Chồng kiếm cái ăn cho cả nhà bằng nghề thợ hồ. No đói hoàn toàn phụ thuộc vào ngày công của chồng. Nghĩ về những ngày chưa xa, chị Bạch chia sẻ: “Kỳ nớ cực lắm. Cũng có thời gian bày hàng bán cháo, nhưng được dăm bữa rồi thôi. Bây giờ con cái lớn hết rồi, rảnh rồi nên bắt đầu mở hàng may. Bữa ni trở lên, lo làm lo ăn chắc không cực rứa nữa mô”.
Thời gian này, gia đình chị Bạch có nhiều niềm vui đáng kể. Chính thức dứt được chữ “nghèo” từ năm 2013. Các con cũng đã có những bước đi khá vững. Con trai đầu tốt nghiệp đại học đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, con trai thứ hai đang học nghề. Con trai thứ 3, cũng đang học nghề. Còn cô út nhỏ, mới lớp 6. Anh Ánh vẫn là trụ cột kinh tế gia đình với nghề thợ hồ, nhưng đã có thêm chị phụ thêm với nghề may tại gia. Căn nhà anh chị đang ở đã được kiên cố hoá với mái ngói đỏ tươi, trong đó có phần 10 triệu đồng từ Uỷ ban MTTQVN phường hỗ trợ. Chị rất vui: “Nhờ được Nhà nước động viên tinh thần nên vợ chồng tui mới dám vay mượn thêm mà làm cho ra cái nhà. Còn nhiều việc phải hoàn thiện nữa, nhưng có sức thì mình cứ “ăn dần mần dọi”. Thoát nghèo rồi, nở mặt mày rồi, không có chi phải lo nữa”. 
 
Cần điều chỉnh
Cùng với vợ chồng chị Bạch, có nhiều hộ nghèo khác của Hương Thuỷ thoát nghèo nhờ vay vốn luân phiên qua kênh của Mặt trận các cấp. Cụ thể, trong số 94 hộ được hưởng lợi từ năm 2010 đến nay, có 59 hộ làm ăn hiệu quả và 22 hộ đã thoát nghèo bền vững.
Ông Phan Hùng Tiến, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thị xã Hương Thuỷ, đánh giá cao mô hình cho hộ nghèo vay vốn luân phiên này. Đây là mô hình được nhân dân – nhất là những hộ nghèo, ủng hộ và thực sự đã động viên, khích lệ được tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống của họ. Nguồn này đã hỗ trợ cho nhiều hộ thoát nghèo, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hộ đã sửa chữa được nhà kiên cố, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, đầu tư cho con em tiếp tục học hành, hạn chế thấp nhất khả năng phải bỏ học do gia đình quá khó khăn...
Tuy nhiên, theo ông Tiến, để nguồn hỗ trợ này tác động thiết thực hơn đối với người nghèo, có một số điểm cần điều chỉnh, nhất là về mức vốn cho vay và thời gian thu hồi vốn. “Để sớm thoát nghèo thì người dân cần đầu tư chăn nuôi lớn, hoặc mở rộng quy mô buôn bán, sản xuất, trong khi quỹ hỗ trợ lại rất ít. Cụ thể, mua một con bò giống tốt để chăn nuôi, hộ nghèo cần từ 7-10 triệu đồng, nhưng quỹ hỗ trợ này mới dừng lại ở khung 3-5 triệu đồng. Hoặc đầu tư chăn nuôi, nuôi cá, làm rừng thì hộ nghèo cần nhiều hơn mức hỗ trợ 2-3 triệu đồng. Vì vốn ít nên nhiều hộ dù đã có hỗ trợ vẫn gặp không ít khó khăn”, ông Tiến phân tích.
Từ thực tế của địa phương, ông Phan Hùng Tiến đề xuất: Ban vận động “Ngày vì người nghèo” của tỉnh cần có sự điều chỉnh trong nguồn hỗ trợ đồng thời kéo dài thời gian hỗ trợ cho người nghèo mượn vốn. Chẳng hạn, thay vì 2-3 năm thì giãn đến 5 năm. Nâng mức đầu tư cho hộ nghèo chăn nuôi bò từ 10-15 triệu đồng trong thời gian 5 năm. Hoặc nâng mức đầu tư cho hộ sản xuất, mua cây con giống, vật nuôi lên mức mức 5-10 triệu đồng trong thời gian 5 năm.
Bài, ảnh: Đồng Văn