Cụ Lê Tử Long và thân sinh Lê Huy Thiều

Tôi yêu Huế, say đắm văn hoá Huế bắt đầu từ giọng nói, lời ru của mẹ, từ những món ăn mẹ nấu mỗi ngày. Nay thì tôi còn nhớ thương cả sự khắt khe, bắt ne bắt nét của mẹ tôi với con cái, nhất là con gái mà sau này tôi mới thấu hiểu được sự trao truyền giá trị văn hoá đó. Mẹ tôi là người Huế, rặt Huế, tên cũng rất Huế: bà Mừng. Nhà ngoại ở An Cựu, bà ngoại bán vải ở chợ Đông Ba, còn ông ngoại làm ở Sở Công chánh Thừa Thiên Huế - nơi đó sau này là Bảo tàng Văn hoá Huế.

Tôi đau đáu với di sản xứ Huế đến lạ. Trong mỗi chuyến công tác vội vã đến Huế, tôi thường tự hỏi nhà mình, ông bà mình ở đâu? Cái gì còn đọng trong thành phố đầy ắp di sản này? Và cuối cùng tôi đã tìm ra ký ức về gia đình tôi, sự khởi nghiệp của cha tôi bắt đầu từ Huế. Những con đường miền Trung ông làm, ông đi và ngày nay đã trở thành con đường di sản ký ức…

Cha tôi người xứ Nghệ, từ năm 1922 đã lặn lội vào Huế để thi vào Trường Quốc Học nhưng không nộp được hồ sơ. Không nản chí, ông ra Hà Nội, ở trọ, học trường tư để thi vượt cấp và đỗ vào Trường Công chánh Đông Dương. Năm 1926, ông tốt nghiệp loại giỏi và được cử đến Sở Công chánh Thừa Thiên Huế. Từ đây, ông lại được điều động đến các chi nhánh Quảng Ngãi, Nha Trang, Phan Rang và cả Buôn Mê Thuột. Ngày 15/1/1929, Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định về việc bổ nhiệm, thăng hạng cho 16 kỹ sư ngành Công chánh Đông Dương, trong đó có cha tôi: Lê Tử Long, kỹ sư hạng 3.

Từ Huế lần theo dấu vết của cha, tôi tìm ra được một số câu chuyện về nghề giao thông thời ấy, nhất là những tuyến đường miền Trung, như Mộ Đức - Ba Tơ, Phan Rang - Vĩnh Hảo, Phan Rang - Đà Lạt, Nha Trang - Buôn Mê Thuột; những cung đường khó khăn nhất như đèo Ngoạn Mục, từ Kronpha lên đèo Bellevue…; mối quan hệ giữa chủ Tây và người Việt, tầng lớp trí thức mới như cha tôi; mối quan hệ giữa những người chỉ đạo, tham gia thi công cầu đường, với phu làm đường trong đó có những người tù cộng sản.

Ở công trình từ Nha Trang lên Buôn Mê Thuột, cha tôi đã gặp những người tù chính trị, giúp đỡ họ thuốc men, nhu yếu phẩm và kết nối thông tin liên lạc. Ông đã được đọc cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu nghĩ về một con đường đi khác… Năm 1932, cha tôi xin đổi việc để về gần quê. Ông chuyển sang làm hệ thống thuỷ lợi ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. “Năm 1937 hệ thống thuỷ lợi Bắc Nghệ An khánh thành long trọng. Có ông Bảo Đại, các quan Nam triều, Toàn quyền, Khâm sứ, Công sứ, Tỉnh trưởng đến dự. Thực chất là để tuyên truyền lấy lòng dân chứ thực ra hệ thống này chẳng to tát gì. Cũng bởi vì từ ngày Pháp thuộc nay mới có hệ thống thuỷ lợi này…”, cha tôi ghi lại.

Tháng 6/1945 hệ thống kênh đào Vinh - Thanh Hoá (kênh Nhà Lê) khánh thành, công trình do Hoàng thân Souphanouvong (Vương quốc Lào) phụ trách. Nhân chuyến công tác ở Thanh Hoá tháng 7/1945, cha tôi và ông đã trao đổi về phong trào Việt Minh và việc thời thế sẽ thay đổi. Tháng 8/1945, Hoàng thân về nước để chuẩn bị tham gia phong trào cách mạng Lào, cha tôi quyết định rẽ sang một con đường khác sau ngót 20 năm làm việc cho chính quyền thuộc địa, điều đó quyết định tương lai của chúng tôi, con đường hạnh phúc của đại gia đình 4 thế hệ con cháu của ông hôm nay. 25 năm sau đó là thời kỳ ông đóng góp trí tuệ, sức lực cho những công trình giao thông lớn của đất nước. Thời chống Mỹ, những cán bộ lãnh đạo có nghề như ông là rất hiếm, được quý trọng. Đảng, Nhà nước đã giữ ông lại làm việc cho đến năm 1970, khi ông đã 67 tuổi, vẫn đảm nhiệm vai trò Cục Phó phụ trách kỹ thuật của Cục Kiến thiết cơ bản, Bộ Giao thông Vận tải.

Cuộc đời, sự thành công của cha tôi không thể thiếu bóng dáng của một người phụ nữ Huế. Ở Huế, ông đã gặp mẹ tôi và kết duyên năm 1932. Bà vừa là nội tướng vừa là tri kỷ của ông. Đâu đó trong con người đậm chất Nghệ của ông, như đã tích hợp những nét đặc sắc trong văn hoá Huế. Ông ăn mặc lịch lãm, nói năng nhỏ nhẹ, ý tứ sâu xa, tính cách khiêm nhường, ứng xử tinh tế. Ở ông có một sự cuốn hút, lãng mạn trong phong thái rất là Huế, và đồng thời cũng rất Tây. Văn hoá là thế.

Bởi nghĩ rằng gia đình là tế bào của xã hội, lịch sử mỗi gia đình gắn bó mật thiết và phản ánh lịch sử xã hội, tôi gom góp những mảnh vụn ký ức thành câu chuyện di sản để cùng sẻ chia với mọi người… Trên những chặng đường dài đó, may mắn biết bao, tôi đã nhận được có sự chung tay của những người bạn, như đồng nghiệp trẻ Trần Đình Hằng ở Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, góp nhặt đầy đam mê một vài tài liệu quý từ thời Pháp thuộc, để phác họa rõ nét thêm vài chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của cha tôi. Từ đó, cùng với hồi ký, lý lịch của ông, tôi đã chắp nối lại thành câu chuyện ký ức rõ nét hơn về cha tôi, một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng ngành Công chánh - Giao thông công chánh Việt Nam, một câu chuyện đẹp của đất nước buổi tiếp xúc, giao lưu văn hóa văn minh Việt - Pháp đầu thế kỷ XX.

TS. LÊ THỊ MINH LÝ

(Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa)