Tại hội nghị công tác cán bộ toàn quốc ngày 23/4/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Người đề cử nhân sự bầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện của người mà mình đề cử. Ảnh: VOV

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Muốn có được đội ngũ lãnh đạo tốt đòi hỏi tổ chức Đảng phải làm tốt khâu sàng lọc, lựa chọn để tìm ra những cán bộ có đức, có tài. Trong  đó, “đức” là yếu tố quan trọng nhất. Người có tài mà thiếu đức nhiều khi còn gây hại, làm mất uy tín của  Đảng.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì yêu cầu về đạo đức, nhân cách người lãnh đạo phải được đặt lên hàng đầu. Những người được chọn vào cấp ủy, lãnh đạo phải biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. 

Bầu chọn những cán bộ vào cấp ủy từ cấp cơ sở cho đến Ban Chấp hành Trung ương được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất  trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ  công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự khóa mới. Theo đó, cần phải thực hiện theo Nghị quyết 26-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 6, khóa XII) và tiêu chuẩn cán bộ theo Quy định 89 và 90- QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Chỉ thị 35 cũng đã nhấn mạnh: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới đối với những người không đủ tiêu chuẩn theo quy định.

2. Thực tế đòi hỏi công tác lựa chọn cán bộ phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ và khoa học; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu. Trên cơ sở xác định tiêu chuẩn để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, bố trí đúng vị trí, xây dựng tập thể cấp ủy đoàn kết thống nhất. Muốn vậy, phải thật sự khách quan, dân chủ trong phát hiện, giới thiệu, chống tư tưởng cục bộ địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, lợi ích nhóm...

Mỗi cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, trước vận mệnh của đất nước về những quyết định nhân sự của cấp mình. Những người đã từng có biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, bảo kê, gây mất đoàn kết...thì không thể chấp nhận đứng trong hàng ngũ nhiệm kỳ khóa mới. Mỗi đảng viên cần nâng cao ý thức góp ý, tôn vinh và thể hiện đúng đắn trong mỗi lá phiếu khi bầu cấp ủy. Mục tiêu cao nhất là chọn người gánh vác cho Đảng, cho dân, không vì danh vọng, lợi ích của bất cứ cá nhân nào. Điều đó có nghĩa là không cho phép chọn sai, chọn nhầm cán bộ.

3. Một vấn đề đặt ra trong Quy định 205-QĐ/TW “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” là cần xử lý nghiêm những người có trách nhiệm tiến cử, giới thiệu. Không thể vì chủ quan cá nhân mà giới thiệu người thân, cố tình đưa người không đủ tiêu chuẩn hoặc che giấu khuyết điểm của con người cụ thể nào đó để tiến cử.

Vụ Trịnh Xuân Thanh là một điển hình khi một loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật vì bao che, dung túng đưa vào quy hoạch, luân chuyển, đề bạt trái quy định.

Tại hội nghị công tác cán bộ toàn quốc ngày 23/4/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Lần này phải nhấn mạnh trách nhiệm của người giới thiệu, đề xuất”. Trước đó, Ban Bí thư đã ban hành văn bản số 03-HD/TW ngày 20/3/2020 về “Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể quy chế bầu cử trong Đảng”.

Theo đó, người đề cử nhân sự bầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện của người mà mình đề cử. Không thể chấp nhận cho đề cử, giới thiệu sai rồi “rút kinh nghiệm”, trở thành một tiền lệ xấu cho những quyết định sai nguyên tắc, trái thẩm quyền. Bài học từ những bản án kỷ luật đối với số lãnh đạo cố tình “chọn nhầm người” trong các nhiệm kỳ vừa qua không cho phép lặp lại.

Ở cấp càng cao thì lựa chọn cán bộ càng quan trọng. Trước yêu cầu mới, đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo xứng đáng để gánh vác trọng trách của Đảng. Chính vì vậy, không thể chấp nhận “chọn nhầm” cán bộ khi quy hoạch và bầu cấp ủy, lãnh đạo các cấp.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH