“Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” là cuốn sách tư liệu quý ghi lại những ký ức về Kinh thành Huế của tác giả Michel Đức Chaigneau (1803-1894) - người mang hai dòng máu Pháp - Việt, từng sinh ra và lớn lên tại Huế trong hơn 20 năm đầu thế kỷ XX.
Đặc biệt, trong lần tái bản này, Nhà xuất bản (Thái Hà Books) đã kỳ công đầu tư cho in riêng 3 bản bìa bằng tạo hình nghệ thuật Trúc Chỉ của họa sĩ Huế Phan Hải Bằng và 22 bản bìa sơn mài với hộp sơn mài sang trọng và 100 bản bìa sơn mài với hộp giấy. Và 2/3 cuốn sách bìa Trúc Chỉ đã được đấu giá thành công. Toàn bộ số tiền đấu giá sách sẽ được chuyển vào Quỹ Văn hóa Huế với mục tiêu góp phần bảo tồn di sản Huế.
Về mặt truyền thông, nhiều người cho rằng, việc 2 cuốn sách đặc biệt nói trên được đấu giá góp phần quảng bá văn hóa Huế, trong đó có di sản sách. Câu chuyện đồng thời cho thấy, ngoài giá trị (nội dung, văn hóa, lịch sử), kỹ nghệ in ấn đặc biệt đang là xu hướng biến sách quý thành sản phẩm văn hóa có giá trị, đáp ứng thú chơi sách đẹp, sách hiếm tao nhã của người Việt vẫn được duy trì. Điều này mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản sách mà Huế là nơi có dư địa lớn.
Với bề dày lịch sử hơn 700 năm, trong đó có hơn 1 thế kỷ là Kinh đô của Việt Nam, Huế là một trong những cái nôi của văn hóa sách gắn với vùng đất học. Lịch sử đã để lại những di tích liên quan về sách được hình thành dưới triều Nguyễn như Tàng Thư lâu ở Kinh thành Huế, cùng di sản mộc bản, sách lụa, kim sách...gắn với những tủ sách tư gia cùng kho tàng thư tịch cổ đồ sộ, phong phú, quý hiếm gắn với phủ đệ, chùa chiền, đình làng...
Giới am tường văn hóa Huế, những người yêu sách và làm du lịch cho rằng, với tiềm năng lớn về di sản sách, Huế đủ tầm để trở thành thánh địa sách. Nếu tập trung đầu tư về hạ tầng (các thư viện đặc biệt, các chuỗi dịch vụ văn hóa liên quan đến sách) thì Huế sẽ có thêm sản phẩm du lịch đặc biệt. Đó là đến Huế để đọc sách, mua sách, tham quan các di sản về sách...
Với mục tiêu xây dựng Huế thành thành phố tri thức, thành phố sách, một số hoạt động liên quan đến sách như xây dựng văn hóa đọc, hình thành các tủ sách công cộng, tổ chức các diễn đàn về sách... đang được Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế tích cực hướng đến.
Tuy nhiên, với giá trị đồ sộ, quý giá trong điều kiện bảo tồn còn nhiều bất cập và tình trạng chảy máu sách quý đã được đánh động, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản sách ở Huế cần một chiến lược, một lộ trình cụ thể và lâu dài.
Đáng mừng là mới đây,Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến xây dựng đề án “Tủ sách Huế”.
Mục tiêu trước mắt của đề án là xây dựng các tiêu chí để chọn các đầu sách tham gia tủ sách, trong đó ưu tiên những bộ sách quý, các công trình giá trị để bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị. Từ đó, sách sẽ được gìn giữ, xuất bản, tái bản, giới thiệu, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa giáo dục, có giá trị văn hóa đặc trưng của Huế.
Hy vọng, đề án Tủ sách Huế được triển khai hiệu quả, thiết thực, sẽ là tiền đề để từng bước biến ước mơ xây dựng Huế thành thiên đường sách thành hiện thực.
Nhật Nguyên