Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang - nơi yên nghỉ hơn 1.800 liệt sĩ chiến đấu anh dũng trong cuộc chiến biên giới phía Bắc

Hà Giang không chỉ có trùng trùng điệp điệp núi non thơ mộng. Không chỉ có cột cờ Lũng Cú thiêng liêng nơi địa đầu Đất nước. Hà Giang còn là nơi để những ai từng lần giở trang sách lịch sử hào hùng với những cuộc chiến giữ nước kiên cường tìm về để đi một lần cúi đầu tri ân.

Bao nhiêu lần lang bạc vùng cực Bắc của Tổ quốc cũng là bấy nhiêu lần chúng tôi dừng chân ở nghĩa trang Vị Xuyên để dâng nén hương lên hương hồn các chiến sĩ đã ngã xuống ở cái đôi mươi đẹp nhất cuộc đời trong cuộc chiến tranh bảo vệ từng tất đất biên cương, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên hoặc là điểm dừng đầu tiên khi vừa đặt chân đến Hà Giang với tấm lòng kính cẩn nhớ đến hương hồn các anh linh liệt sĩ. Hoặc sẽ là điểm dừng chân sau cùng, với thời gian đủ dài nhất định – ngồi bên mộ phần thiêng liêng của các anh để nhớ về cuộc chiến hào hùng.

Từ bên ngoài cánh cổng, đi bộ qua những bóng cây và tiếng gió của núi rừng vi vút, nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên như nhắc nhớ chúng tôi – những người trẻ - trẻ như các anh ngày đó câu chuyện bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và tinh thần dân tộc bất khuất với lời thề: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, “Giặc này phải đánh, không thắng không về”.

Hầu hết trong hơn 1.800 nấm mộ ở nghĩa trang Vị Xuyên đều là mộ liệt sĩ hy sinh trong trận đánh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc giai đoạn từ 1979 – 1989. Thời điểm đó, chúng ta bị tổn thất rất lớn và cho đến bây giờ nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn còn nằm lại ở vùng núi đồi, sâu trong hốc đá.

Trong khu mộ được xây dựng theo tầng bậc của mái đồi nằm phía sau đài Tổ quốc ghi công ở nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên chúng tôi thường chia nhau và cố gắng thắp hết mộ phần của các anh. Càng đi sâu về phía sau, chúng tôi bất ngờ khi rất nhiều người lính trẻ ngã xuống sau khi được đưa về yên nghỉ ở đây vẫn là “liệt sĩ chưa biết tên”.

Và nhắc đến nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên không thể không nhắc đến Sư đoàn 356. Ở giai đoạn gay cấn của cuộc chiến tranh biên giới, từ tháng 4/1984 - 5/1989, hơn 500.000 quân bành trướng Trung Quốc đã biến nơi đây thành vùng chiến sự khốc liệt. Ngày 12/7/1984 đã trở thành “ngày giỗ chung” khi mà vào thời điểm đó có hơn 600 chiến sĩ của Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh trong quá trình chiến đấu để bảo vệ các cao điểm quan trọng. Những năm sau này, công tác tìm kiếm và đưa hài cốt các chiến sĩ về nơi an nghỉ được thực hiện một cách rốt ráo, khẩn trương. Nhờ thế mà gần như các liệt sĩ đều được đưa về an nghỉ ở nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, nhưng vẫn còn không ít hài cốt liệt sĩ vẫn chưa thể về đoàn tụ với đồng đội.

Ngày nay không biết mỗi ngày có bao nhiêu đoàn khách ghé qua Hà Giang và dừng chân lại nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên để dâng nén hương lên anh linh các liệt sĩ. Máu thịt của các anh hòa với đất và nước để cho mùa xuân hoa nở, để mảnh đất biên cương Hà Giang mãi ngát xanh. Và thời điểm những ngày tháng 7 dòng người tìm về nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên đông đúc hơn với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, như nhắc nhở bài học không bao giờ quên lãng sự hy sinh của các anh vì độc lập, tự do cho thế hệ mai sau.

Nhờ về cái anh, những người còn sống sẽ không bao giờ lãng quên, như lời ca khúc “Bài hát cho người còn sống” mà nhạc sĩ Trương Quý Hải – đồng đội các anh đã viết:

“Biên cương đã sạch bóng thù, đồng đội ơi còn sống về đi!

Trở về mái ấm quê hương, tiện đường ghé thăm nhà tôi

Nhà tôi góc phố, nhà tôi cuối làng,

Tôi biển cát trắng, tôi xóm bên sông

Mẹ hay nước mắt, cha thường lặng lẽ

Em tôi ngoan lắm, trăng non tóc thề

Thay tôi tạ lỗi cha mẹ, đạo làm con hiếu trung dở dang

Nặng tình non nước lên đường, ngày về khói hương đoàn viên ....

Ký ức góp chuyện cho đời,

Bình thường thôi nếu nhắc về tôi,

Xác hóa thành đất đá biên cương”…

Bài, ảnh: NHẬT MINH