Từ 16/7 cha mẹ không được đặt tên con quá dài, nhưng vẫn không cụ thể như thế nào gọi là dài (Trong ảnh, các giấy tờ khai liên quan đến thủ tục khai sinh)

Điểm mới này ra đời sẽ giúp hạn chế được những rắc rối trong hồ sơ giấy tờ, giao dịch, tuy nhiên nhiều người vẫn thắc mắc không quá dài ở đây cụ thể là bao nhiêu ký tự vẫn chưa được quy định rõ ràng.

Những cái tên con đôi khi là ước vọng hay mong muốn của cha mẹ. Ước mơ càng lớn, tên càng... dài. Ngược lại, có những cái tên như được cha mẹ trút vào đó buồn đau, kỷ niệm đời người.

Có rất nhiều trường hợp dở khóc dở cười bởi cái tên do cha mẹ đặt cho bản thân đã trở thành phiền toái sau này. Có tên dài đến 9 – 10 âm tiết với hơn 30 chữ cái, có tên kỳ lạ như “Hận Đời”, “Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi”… từng nổi tiếng trên các trang mạng đã trở thành nỗi ám ảnh và gặp nhiều khó khăn đối với chính người mang tên đó trong quá trình giao dịch, làm giấy CMND, thẻ ATM và các giấy tờ liên quan khác.

Việc thông tư này ra đời, nhiều người dân cho rằng đó là điều cần thiết khi có những hướng dẫn việc đặt tên phù hợp, ngắn gọn. Tuy nhiên, Thông tư mới này chỉ quy định chung chung, thay vì cần quy định cụ thể như thế nào là tên dài và số ký tự của tên gọi được cho phép bao nhiêu. “Tôi cho rằng, quy định này là rất cần thiết, giúp cha mẹ khi đặt tên con. Nhưng cụ thể hơn một chút nữa dài là dài mấy chữ” – anh Vĩnh Phong (người dân TP. Huế) đặt vấn đề.

Cùng nhận định, anh Nguyễn Thọ (P. Xuân Phú, TP. Huế) cho rằng,  thông tin cần nhất trong Thông tư này là quy định số lượng ký tự, nhưng đọc hoài không thấy. Vì thế, quá trình áp dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Ví dụ tôi đặt tên con 8 âm tiết với hơn 25 chữ. Tôi  nói ngắn nhưng cán bộ hộ tịch nói dài. Vậy ai sẽ làm trọng tài cho việc này. Vì thế tôi nghĩ, cần bổ sung số ký tự một cách cụ thể, rõ ràng”, anh Thọ nhấn mạnh.

Dù chưa có quy định rõ ràng, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người, nên đặt tên tối đa từ 20-25 ký tự. Với số lượng ký tự này sẽ phù hợp với quy định viết tên và khuôn phôi các giấy tờ như giấy phép lái xe, thẻ ATM… Ngoài ra, với số ký tự chừng đó, tên của cá nhân sẽ không bị viết tắt, từ đó việc sử dụng tên trong các giao dịch thường ngày lẫn trong các thủ tục hành chính được thuận lợi hơn.

Thông tư 04/2020 cũng quy định, trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ. Ông bà, người thân đi đăng ký khai sinh cho cháu thì không cần văn bản ủy quyền, nhưng phải thống nhất nội dung khai sinh với cha, mẹ của trẻ.

 Bài, ảnh: NHẬT MINH