Dân số thế giới dự kiến đạt 8,8 tỷ người vào năm 2100. Ảnh minh hoạ: Getty Images

Các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng, đến cuối thế kỷ này, dân số ở 183 trong số 195 quốc gia - không tính đến dòng người nhập cư - sẽ giảm xuống dưới ngưỡng thay thế cần thiết để duy trì mức dân số ổn định.

Hơn 20 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italy, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc và Ba Lan, sẽ chứng kiến lượng dân số nước mình giảm ít nhất 1/2. Trung Quốc cũng có tỷ lệ giảm tương tự, từ 1,4 tỷ người hiện nay xuống còn 730 triệu người sau 80 năm nữa.

Trong khi đó, số dân ở khu vực châu Phi hạ Sahara sẽ tăng gấp 3 lần lên khoảng 3 tỷ người. Riêng dân số ở Nigeria sẽ tăng lên gần 800 triệu vào năm 2100, chỉ đứng sau con số 1,1 tỷ dân của Ấn Độ.

Theo tác giả chính của nghiên cứu thuộc Viện Đo lường Sức khỏe và Đánh giá (IHME), Đại học Washington, "những dự báo này là tin tốt lành cho môi trường, làm giảm căng thẳng đối với hệ thống sản xuất thực phẩm và lượng khí thải carbon cũng thấp hơn, đồng thời cũng là cơ hội kinh tế quan trọng cho các khu vực ở châu Phi hạ Sahara… Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia bên ngoài châu Phi sẽ phải chứng kiến ​​sự thu hẹp trong lực lượng lao động và đảo ngược kim tự tháp dân số, điều này sẽ gây ra một số hậu quả rất tiêu cực cho nền kinh tế".

Đối với các nước thu nhập cao trong danh sách này, các giải pháp tốt nhất để duy trì mức dân số và tăng trưởng kinh tế sẽ là chính sách nhập cư linh hoạt và chế độ hỗ trợ xã hội tốt cho các gia đình muốn có con, nghiên cứu kết luận.

866 triệu người trên 80 tuổi

Nghiên cứu cho rằng, các dịch vụ xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ cần phải được “đại tu” để phù hợp với lượng dân số già ngày càng tăng. Đồng thời, tự do và quyền của phụ nữ phải luôn là “ưu tiên hàng đầu” trong mọi chương trình phát triển của các chính phủ.

Quyền của phụ nữ luôn phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi chương trình phát triển. Ảnh minh hoạ: Getty Images

Trong bối cảnh mức sinh giảm và tuổi thọ tăng trên toàn thế giới, số trẻ em dưới 5 tuổi được dự báo sẽ giảm hơn 40%, từ 681 triệu trong năm 2017 xuống còn 401 triệu vào năm 2100, nghiên cứu nêu rõ. Trong khi đó, hơn 1/4 dân số toàn cầu, tương đương với 2,37 tỷ người sẽ hơn 65 tuổi vào thời điểm đó, và những người trên 80 tuổi sẽ tăng mạnh từ khoảng 140 triệu hiện nay lên 866 triệu vào cuối thế kỷ 21.

Sự sụt giảm mạnh về số lượng và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn ở nhiều quốc gia. Khi đó, “các xã hội sẽ phải vật lộn để phát triển khi có ít công nhân và người nộp thuế hơn”, giáo sư Stein Emil Vollset tại IHME lưu ý.

Chẳng hạn, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ giảm mạnh từ khoảng 950 triệu người hiện nay xuống chỉ còn hơn 350 triệu vào cuối thế kỷ, tương đương với mức giảm 62%. Ấn Độ cũng sẽ sụt giảm nhưng ở mức độ nhẹ hơn, từ 762 đến 578 triệu. Ngược lại, ở Nigeria, lực lượng lao động tích cực sẽ gia tăng từ 86 triệu hiện nay lên hơn 450 triệu vào năm 2100.

Các nhà nghiên cứu dự báo những thay đổi quan trọng này cũng sẽ cải tổ lại trật tự về mặt kinh tế.

Một thế giới đa cực mới

Theo dự báo của nghiên cứu, đến năm 2050, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, nhưng sẽ rơi trở lại vị trí thứ hai vào năm 2100. GDP của Ấn Độ sẽ tăng đưa nước này lên vị trí thứ 3, trong khi Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh sẽ nằm trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Brazil được dự đoán sẽ sụt hạng từ vị trí thứ 8 hiện nay xuống thứ 13 và Nga từ vị trí số 10 xuống thứ 14. Trong khi đó, các cường quốc lâu đời như Italy và Tây Ban Nha sẽ tụt từ top 15 xuống vị trí 25 và 28 tương ứng. Đáng chú ý, Indonesia có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 trên toàn cầu.

"Vào cuối thế kỷ này, thế giới sẽ trở nên đa cực, với Ấn Độ, Nigeria, Trung Quốc và Mỹ là các cường quốc thống trị", ông Richard Horton nhận xét, mô tả nghiên cứu này đang phác thảo ra "sự thay đổi căn bản trong sức mạnh địa chính trị".

Tính đến thời điểm hiện tại, LHQ gần như là tổ chức độc quyền trong dự báo dân số toàn cầu, với các mức dự báo lần lượt là 8,5 tỷ, 9,7 tỷ và 10,9 tỷ người vào các năm 2030, 2050 và 2100.

Sự khác biệt giữa các số liệu của LHQ và IHME chủ yếu xoay quanh tỷ lệ sinh. Cái gọi là "tỷ lệ thay thế" cho dân số ổn định là 2,1 ca sinh trên mỗi phụ nữ.

Tính toán của LHQ cho rằng các quốc gia có mức sinh thấp hiện nay sẽ chứng kiến ​​tỷ lệ đó tăng lên, trung bình khoảng 1,8 trẻ em trên một phụ nữ theo thời gian. Trong khi đó, phân tích của IHME cho thấy rằng khi phụ nữ trở nên có học thức hơn và được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản, họ chọn trung bình có ít hơn 1,5 con, giáo sư của IHME giải thích.

Thành lập vào năm 2007 và được hỗ trợ bởi Quỹ Bill và & Melinda Gates, IHME đã trở thành nơi cung cấp các tài liệu tham khảo toàn cầu về thống kê y tế, đặc biệt là các báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu hàng năm.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA & AFP)