Vận dụng nghiệp vụ để xử lý tài xế xe ké vi phạm

Hợp thức hóa giấy tờ

Một nhà xe thuộc HTX Vận tải ô tô Huế “bật mí”: Hoạt động “xe ké” mang lại lợi nhuận cao nên họ dùng mọi thủ đoạn để hoạt động đều đặn hàng ngày. Chỉ cần “làm phép” dán phù hiệu xe hợp đồng, xe du lịch “chạy ké” cùng tuyến cố định; hàng ngày, họ có đội quân gom khách từ các tài xế taxi, xe ôm và nhân viên khách sạn, thậm chí thuê “cò” ở các bến xe... giới thiệu hành khách đi “xe ké”.

Lãnh đạo một hãng taxi đang hoạt động ở Huế chia sẻ: Nếu các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đúng chức trách thì rất khó để “xe ké” trá hình lộng hành. Chừng nào công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử phạt buông lỏng thì chừng đó còn có “xe ké” hoạt động đều đặn.

Đại diện phòng Thanh tra, Sở GTVT cho rằng, hiện nay, những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều “lỗ hổng” nên việc xử lý rất khó vì chủ phương tiện thường hợp thức hóa giấy tờ, hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách để đối phó khi bị kiểm tra. Trong khi đó, hiện mức xử phạt tiền các xe khách vi phạm các lỗi như trên chưa đủ sức răn đe, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để; thậm chí nhà xe sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt để tiếp tục vi phạm.

Ngày 3/7, chúng tôi theo chân đội liên ngành tuần tra trật tự an toàn vận tải giao thông theo kế hoạch số 88/KH-Ban ATGT (từ ngày 18/6-18/7); đặc biệt là xử lý “xe ké”. Trên tuyến QL1A qua xã Lộc Thủy (Phú Lộc), đội liên ngành phát hiện ô tô Fotuner 7 chỗ BKS 75A-135.28 vận chuyển hành khách hướng Huế-Đà Nẵng. Kiểm tra xe, tài xế cho rằng xe chạy theo hợp đồng nhưng không có hợp đồng, không có danh sách hành khách và lịch trình nên phải ký biên bản vi phạm.

Cùng ngày hôm đó, hàng loạt “xe ké” phát hiện đội liên ngành tuần tra ở phía nam đèo Phước Tượng, đã dừng ở chợ Cầu Hai-thị trấn Phú Lộc thuê xe taxi Bạch Mã tăng bo khách qua “trạm chốt” của đội liên ngành đến chợ Lộc Thủy với giá 200 nghìn đồng/xe. Khi biết các “xe ké” lập kế, đội liên ngành đã nhờ lực lượng ở địa phương giám sát mới đủ chứng cứ đón chặn, xử lý rốt ráo những “xe ké” nói trên.

Trước đó, đội liên ngành tuần tra ở địa bàn thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc thì hàng loạt “xe xé” thu nhận thông tin “từ xa” đã dừng tạm dọc QL1A. Một số do nhu cầu bức bách của hành khách đã chạy vào đường làng, hoặc tìm cách theo hướng QL49B bên kia phá Tam Giang Cầu Hai để né “trạm chốt” của đội liên ngành.

Nên đưa “xe ké” vào quản lý

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Giao thông tỉnh tiến hành tuần tra kiểm soát, lập 516 biên bản xử phạt hơn 1.145 triệu đồng. Phối hợp cùng cảnh sát giao thông lập 66 biên bản, ra quân kiểm tra đo phương tiện ở các trạm cân 6 tháng đầu năm đã xử phạt hành chính hơn 1,7 tỷ đồng. Đội liên ngành ra quân tuần tra kiểm soát theo kế hoạch của Ban ATGT tỉnh từ 18/6-4/7 xử lý 50 trường hợp với số tiền gần 120 triệu đồng, bao gồm các lỗi chính: GPLX hết hạn, không có phù hiệu, trả hành khách không đúng nơi quy định, xe hợp đồng nhưng không có hợp đồng, không đóng cửa xe khi xe chạy...

Theo Phó Trưởng phòng Thanh tra, Sở GTVT Võ Hoài Nam, để tránh tình trạng xe hợp đồng sử dụng danh sách hành khách khống, rồi bắt khách điền vào hợp đồng, đối phó với lực lượng chức năng, cần quy định xe khách hợp đồng phải mang bản hợp đồng in sẵn chứ không được viết tay. Trước khi thực hiện hợp đồng, nhà xe phải gửi toàn bộ nội dung hợp đồng, bao gồm cả danh sách hành khách qua thư điện tử về Sở GTVT để nhận diện. Đồng thời, tăng chế tài xử phạt đối với các vi phạm là biện pháp căn bản để dẹp nạn “xe ké” trá hình.

Ông Lê Viết Hoài, Giám đốc Bến xe phía bắc TP. Huế cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến “xe ké” trá hình phát triển là do chế tài xử phạt quá nhẹ. Theo quy định hiện hành, xe vận chuyển khách theo hợp đồng mà không có hợp đồng, hay có hợp đồng mà không có tên khách trong hợp đồng; hoặc trả khách dọc đường chỉ phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng, giữ GPLX 2 tháng. Nếu xe vi phạm nặng thì thu hồi phù hiệu 1-3 tháng, trong khoảng thời gian dài này rất dễ sinh ra tiêu cực, không đủ sức răn đe.

Ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HTX Vận tải ô tô Huế nêu quan điểm, giải pháp cốt lõi nhất để dẹp “xe ké” trá hình là tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý. Ngành chức năng không nên xử lý tình trạng “xe ké” trá hình hợp đồng, du lịch như “bắt cóc bỏ dĩa”,”ném đá ao bèo”. Nếu cứ làm như thế sẽ “nhờn thuốc”.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, căn cứ các khoản 3 và 4 của Điều 7 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP vừa có hiệu lực là cơ sở pháp lý mạnh để ngành chức năng xử lý rốt ráo tình trạng “xe ké” trá hình hợp đồng, du lịch hiện nay. Cụ thể, xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách hợp đồng không thu tiền trước từng hành khách dưới mọi hình thức; xe hợp đồng trong một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp điểm cuối...

Khi tham kiến, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong nghề vận tải thừa nhận, mô hình “xe ké” hiện nay rất tiện ích mà thực tế người dân có nhu cầu. Thay vì cứ hướng đến “cuộc chiến” dẹp bỏ “xe ké” thì nên đưa “xe ké” vào quản lý để tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động giao thông vận tải, Nhà nước không phải thất thu thuế mà còn tạo ra việc làm cho lực lượng lao động hiện nay...

Bài, ảnh: Minh Văn