Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những nguồn lực quan trọng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Với Việt Nam, FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế, cùng với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân tạo thành đội quân chủ lực của nền kinh tế. Nhờ chính sách thu đầu cởi mở Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu công bố tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019, được tổ chức đầu năm 2020, năm 2019 lần đầu vốn giải ngân các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD; tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đặc biệt, với tác động của đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ  Trung Quốc - nơi được coi là “công xưởng” của thế giới sang các quốc gia châu Á để đa dạng hóa nguồn cung. Trong đó, Việt Nam nổi lên là một điểm đến hấp dẫn nhờ khống chế dịch thành công và sớm khởi động lại nền kinh tế. Đồng thời, việc Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định kinh tế thế hệ mới như CPTPP, EVTA càng tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ hội là rất lớn, nhưng để thu hút được nguồn vốn FDI “hậu COVID-19” hiệu quả, nhất là đón được các nhà đâu tư nước ngoài có tiềm lực vốn, công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến cần có sự chuẩn bị sẵn sàng. Đầu tiên là cần bắt xu hướng và mong muốn của nhà đầu tư đối với điểm đến.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Điều các nhà đầu tư nước ngoài cần ở điểm đến là sự ổn định chính trị, môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô; cơ chế, chính sách cần đảm bảo tính nhất quán, ít thay đổi, có thể dự báo được; thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ; cơ sở hạ tầng đồng bộ (khu công nghiệp và các dịch vụ đi kèm, điện, nước, giao thông vận tải, thông tin, logistics...); nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, công nhân có tay nghề; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ nội địa phát triển...

Đối chiếu với xu hướng dịch chuyển đầu tư và mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài, Thừa Thiên Huế có nhiều lĩnh vực và lợi thế để thu hút nguồn vốn FDI. Ngoài việc “trải thảm” đón nhà đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tỉnh hình thành các khu phi thuế quan, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, nhất là Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đang ngày càng hoàn thiện hạ tầng sẵn sàng đón các nhà đầu tư về công nghiệp sản xuất, điện tử, ô tô, chế biến, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Bên cạnh đó, với hệ thống các trường đại học, trung cấp, cao đẳng nghề, Thừa Thiên Huế không chỉ đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề trong tỉnh mà còn thu hút cả học viên ngoài tỉnh. Đây là lợi thế không kém phần quan trọng của Thừa Thiên Huế trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoàng Minh