Cận cảnh trung tâm bóng đá Viettel.
Mất Danh Trung và Hữu Thắng, bóng đá Huế tiếc hùi hụi, thôi phen ni dùng “đồ nhà”. Thế nhưng, ngẫm đi và tính lại, sân chơi Hạng Nhất bây chừ cũng khó khăn lắm rồi, loạng choạng thì văng ngay, nên bóng đá Huế đành lại phải bấm bụng đi mượn cầu thủ. Không còn hàng xịn thì đành mượn tạm hàng người ta không dùng. Riêng Viettel, đã cho Huế mượn vừa đúng số lượng 5 cầu thủ như mùa giải trước.
Một thời, bóng đá “bao cấp”, địa phương nào cũng có lò đào tạo, Huế cũng nằm trong số đó. Qua thời mở cửa, doanh nghiệp nhảy vô, bên cạnh các đào tạo kiểu cũ và truyền thống, nhiều lò đào tạo của doanh nghiệp ra đời, chiêu sinh cầu thủ ở mọi miền đất nước. Đầu tiên là bầu Đức với Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG. Tiếp đến có PVF, Viettel, Hà Nội và mới đây có thêm Học viện Bóng đá Juventus.
Sự xuất hiện của những lò bóng đá kiểu mới này với cách đầu tư bài bản về con người, cơ sở vật chất và phương cách đào tạo đã làm lu mờ dần các lò truyền thống, kể cả lò nổi tiếng như Nghệ An hay Đồng Tháp. Trong đội hình các đội tuyển quốc gia Việt Nam vô địch AFF Cup, SEA Games hay tham dự vòng loại World Cup, Cúp Bóng đá châu Á, Giải vô địch bóng U23 châu Á, thấy chủ yếu là quân gom của lò bầu Hiển, bầu Đức hay PVF.
Bóng đá Huế đã hình thành được mối quan hệ tốt với một số lò đào tạo bên ngoài mà đặc biệt là Viettel. Thế nhưng, trong mối quan hệ này Huế xem chừng cũng chỉ là “sân sau” của lò đào tạo này. Năm ngoái, chứng kiến bộ đôi gốc Huế của Viettel cho mượn là Danh Trung - Hữu Thắng thi đấu thăng hoa nhiều người lo, không biết rồi đây khi Viettel đòi lại, Huế đá thế nào đây. Mà rồi đúng thiệt, chỉ vỏn vẹn một mùa giải, họ lấy lại ngay. Với đội hình non trẻ và vắng bóng ngôi sao, thầy trò ông Nguyễn Đức Dũng đang trải qua một mùa giải đầy lo âu.
Mới đây tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đồng ý để Công ty cổ phần Tập đoàn T&T mở học viện đào tạo bóng đá trẻ tại đây theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đào tạo một cách toàn diện về thể chất, văn hóa, đạo đức và chuyên môn cho các vận động viên trẻ, chuẩn bị lực lượng vận động viên kế cận cho bóng đá Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Trị.
Cách làm của Quảng Trị cũng đặt ra vấn đề đáng suy nghĩ. Làm bóng đá cũng như làm kinh tế, phải biết cách đầu tư và liên kết với doanh nghiệp là một hướng phát triển đầy gợi mở. Bóng đá Huế đã chậm chân trên hành trình chuyên nghiệp hóa. Bây giờ cũng nên học cách mở lò kiểu mới, tạo nên sự đột phá trong đào tạo để tính chuyện đường xa cho môn thể thao vua, vốn có bề dày truyền thống này. Còn không, sẽ cứ mãi chịu cảnh gạo bữa ăn đong.
ĐÌNH NAM