Không chỉ thiếu ý thức phân loại, nhiều người còn vứt rác vô tội vạ, kể cả xả rác xuống dòng sông Hương thơ mộng
Sáng sớm đi thể dục, loanh quanh trong những con đường làng miệt đồi Quảng Tế. Chợt xuất hiện bên vệ đường là một đống rác lớn của nhà ai vừa tập kết đêm hôm trước. Lẩn trong rác là một tấm kính rất lớn bị vỡ vụn. Mảnh kính như những mũi dao sắc nhọn, tua tủa, lởm chởm, chỉ mới nhìn qua đã thấy buốt cả sống lưng. “Ui chao, ngó ghê chưa kia. Thế này làm sao công nhân họ dọn?!!” - bà vợ tôi buột miệng. Tôi nhăn mặt, nhưng rồi cũng rời đi vì chẳng biết phải làm thế nào. Chỉ cầu mong các anh, các chị công nhân thu gom rác sẽ cảnh giác và bình an vô sự trước những mảnh vỡ nguy hiểm ấy.
Những cái mảnh lởm chởm nhọn hoắc, sắc lẹm của tấm kính vỡ cứ mãi ám ảnh trong tôi. Chợt nhớ mình cũng đã một đôi lần cứ mãi ray rứt khi buộc phải bỏ một món đồ thủy tinh, sành sứ bị rơi vỡ vào thùng rác. Khuôn viên nhà thì hết đất, chung quanh đều toàn nhà của người ta, ném lung tung vào bụi bờ thì không nguy trước mắt nhưng về lâu dài có khi hại cũng không ít. Nghĩ mãi, không cách nào khác hơn là cho vào thùng rác công cộng để chờ mang đi xử lý. Nghiệt nỗi, thùng rác thu nhận tất, không phân biệt thùng này rác này, thùng kia rác nọ. Sợ có thể làm các anh chị công nhân thu gom bị thương, tôi cố gói ghém thật kỹ, dày thật nhiều lớp. Nhưng nghiệt cái là những người đi nhặt lượm phế liệu lại tưởng trong gói có gì quý, lại mở tung ra. Vậy là nguy vẫn hoàn nguy. Ước ao giá mà ta có thực hiện việc phân loại rác thì hay biết mấy. Nhưng ước cũng chỉ để mà ước…
Các điểm thu gom đều lưu chứa rác hỗn hợp
Thực ra, cách đây nhiều năm, việc phân loại rác cũng đã bắt đầu được triển khai tại Huế. Một số điểm tập kết rác thấy có bố trí 2 loại thùng chứa với 2 màu khác nhau: xanh và vàng cam. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, sau đó thì “vỡ trận”. Bây giờ thùng màu vàng cam cũng như thùng màu xanh. Đều có chung đặc tính là… chứa rác hỗn hợp. Cả hữu cơ lẫn vô cơ, cả có thể phân hủy lẫn không thể phân hủy….
Việc rác không được phân loại ngay tại nguồn, không cần nói, ai cũng biết là nó dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Dễ thấy nhất là gây lãng phí các loại rác có thể tái chế; hoặc là phải mất rất nhiều thời gian, công sức để phân loại nếu muốn tái chế, tái sử dụng, làm phân bón… Đặc biệt, như đã đề cập, việc không phân loại rác rất dễ gây nguy hiểm cho những người nhặt rác, anh chị em công nhân nếu không may bị mảnh kính, mảnh sành sứ hoặc các vật kim loại sắc nhọn đâm, cắt…
Mà kể cũng lạ, việc phân loại rác tại nguồn đâu có gì phức tạp, khó khăn. Chỉ cần mỗi gia đình, mỗi cơ quan, doanh nghiệp ý thức một chút thôi, là có thể làm được. Tất nhiên, doanh nghiệp, đơn vị có trách nhiệm thu gom, vận chuyển, xử lý phải quan tâm bố trí đủ, có phân biệt loại thùng chứa tại các điểm tập kết rác. Song song đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức phù hợp để mỗi một người dân đều có ý thức trong việc phân loại rác ngay tại nguồn. Nếu có sự phối hợp đồng bộ như thế, việc làm này mới có thể lan tỏa và thành công trong thực tế.
Rất mừng là mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4512/UBND-GT hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 4 nhóm, bao gồm nhóm tái chế, tái sử dụng: giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại, thủy tinh các loại; nhóm các chất hữu cơ dễ phân hủy: thức ăn thừa, lá cây, rau, củ quả, xác động vật; nhóm chất thải nguy hại: pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử hỏng; nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng). Công văn của UBND tỉnh cũng nêu yêu cầu về trách nhiệm phân loại, lưu chứa của các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, vận chuyển rác cũng như của các ban ngành liên quan. Việc kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ), tổ giúp việc BCĐ; vấn đề kinh phí, công tác tuyên truyền, cơ chế vận hành, chế tài xử phạt…
Cũng cần nói thêm, trước đó UBND tỉnh từng ban hành nhiều văn bản đề cập đến vấn đề chất thải rắn. Đó là Quyết định 1413/QĐ-UBND ngày 23/6/2016 phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 37/2019/QĐ-UBND ngày 10/7/2019 của quy định về phân công, phân cấp quản lý chất thải rắn sinh, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn xây dựng và bùn thải trên địa bàn tỉnh… Và bây giờ là Công văn 4512. Tất cả cho thấy mối quan tâm đặc biệt của chính quyền tỉnh với vấn đề môi trường của địa phương. Triển khai, thực hiện tốt công văn 4512 của UBND tỉnh là việc làm thiết thực để thực hiện lời kêu gọi “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng”; cũng là chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường sống cho chính bản thân mỗi cá nhân, gia đình và của cả cộng đồng.
Bài, ảnh: HIỀN AN