Buổi làm việc nhằm rà soát lại các nhiệm vụ đặt ra trong thời gian qua và bàn các giải pháp để phát triển ĐH Huế, trong đó có việc xây dựng và phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc với ĐH Huế

Phát triển đa ngành, đa lĩnh vực

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, sau 11 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia, Kết luận số 38 của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/2/2018 tại buổi làm việc với ĐH Huế, hiện nay ĐH Huế đã và đang đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực công tác.

Đến năm 2020, ĐH Huế có 142 ngành đào tạo ĐH, 92 ngành đào tạo thạc sĩ và 56 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú; có 40.000 sinh viên hệ chính quy và 4.500 học viên sau ĐH.

Trong xu thế hội nhập, ĐH Huế đã thu hút một số lượng lưu học sinh nước ngoài đến học tập các trình độ ĐH, cao học và nghiên cứu sinh; triển khai chương trình liên kết trao đổi sinh viên Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar theo hợp tác GMS-UC của SEAMEO-RIHED. Hiện nay, có 17 chương trình liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH với các đối tác Áo, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Belarus, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Phần Lan và Aillen… đã và đang được thực hiện tại ĐH Huế và các đơn vị đào tạo thành viên và thuộc ĐH Huế.

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh chia sẻ, cũng với đào tạo, lĩnh vực khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cũng đang gặt hái nhiều thành công.

Đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều vấn đề

ĐH Huế đặt ra mục tiêu tổng quát là “Phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển theo hướng quản trị hệ thống ĐH, thành ĐH quốc gia theo định hướng nghiên cứu: Xây dựng Mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia có ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn quốc tế; Trường ĐH Sư phạm trọng điểm quốc gia; Viện Công nghệ sinh học thành Trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia và hạt nhân Trung tâm KHCN (Nghị quyết 54); đến năm 2025 ĐH Huế xếp ở tốp 3 các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam, trong tốp 300 châu Á và 1.000 Thế giới”.

Theo lãnh đạo ĐH Huế, để thực hiện mục tiêu trên, ngoài nỗ lực rất lớn của ĐH Huế, rất cần sự hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ từ phía Bộ GD&ĐT. ĐH Huế đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sớm ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược trao đổi tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT

Đồng thời, ĐH Huế đề nghị Bộ cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục tại Huế và quan tâm về phát triển cơ sở vật chất của ĐH Huế, có cơ chế hỗ trợ giải quyết dự án đền bù giải phóng mặt bằng của ĐH Huế, đặc biệt là quan tâm làm việc với các Bộ, Ngành và Chính phủ hỗ trợ ĐH Huế tìm nguồn vay ODA 100 triệu USD nhằm xây dựng và phát triển ĐH Huế theo Thông báo số 38/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với ĐH Huế. Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước về khoa học công nghệ để Viện Công nghệ sinh học có nguồn vốn nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị và đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng và phát triển Viện Công nghệ sinh học theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018.

Đại diện các trường thành viên cũng đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề. GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược mong muốn Bộ GD&ĐT tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo và kiểm định. Đồng thời, về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, cao đẳng cần có chế hợp nhất một số cơ cở đào tạo, trong đó có Trường đẳng Y tế Huế vào Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế. Còn theo PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, các ngành khoa học cơ bản quan trọng nhưng tuyển sinh rất khó khăn, cần có những chính sách cho sinh viên với các ngành khoa học cơ bản.

Cần rà soát, nhìn nhận cơ hội – thách thức

Tại buổi làm việc, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, ĐH Huế cần nhìn vào những cơ hội và thách thức để xây dựng và phát triển. ĐH Huế đang có nhiều điều kiện “thiên thời, địa lợi”, đặc biệt Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia, Kết luận số 38 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Đó là những cơ sở để ĐH Huế xây dựng và phát triển, trở thành ĐH Quốc gia.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị ĐH Huế cần gắn chặt hoạt động nghiên cứu với đào tạo

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Huế có điều kiện rất tốt để phát triển, trở thành trung tâm về giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch... Trong xu hướng phát triển hiện nay, ĐH Huế được xem là động lực thúc đẩy tỉnh nhà nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Trong buổi làm việc với tỉnh, đã thấy rất rõ nhu cầu phát triển của tỉnh về nguồn nhân lực chất lượng cao và đó là cơ hội của ĐH Huế.

ĐH Huế là ĐH đa ngành, đa lĩnh vực mà theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiếm có ĐH nào có khá đầy đủ ngành nghề và đội ngũ cán bộ, giảng viên tiềm năng như thế. Tuy nhiên, ĐH Huế phải nhìn nhận để phân tích bối cảnh, rà soát, đánh giá lại thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để xây dựng và phát triển.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, bên cạnh những mặt tích cực, thành tựu đạt được thì mối quan hệ gắn kết sử dụng nguồn lực trong ĐH Huế chưa cao, các đơn vị thành viên của ĐH Huế phát triển chưa trên dựa hướng hợp lực; một số ngành có điều kiện phát triển nhưng chưa phát triển mạnh...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ĐH Huế cần xây dựng đề cương đề án phát triển ĐH Huế giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, ngoài chú ý đến những yếu tố như bối cảnh, mục tiêu ngắn hạn và dại hạn, các chỉ số thì cần bàn đến mô hình phát triển ĐH Huế, rút kinh nghiệm từ 2 ĐH Quốc gia. ĐH Huế phát triển theo định hướng nghiên cứu chứ không phải ĐH nghiên cứu, vẫn cần phải giữ các ngành khoa học cơ bản. “ĐH Huế cần phân cấp, phân quyền và tạo được tính tự chủ đối với các đơn vị thành viên. Xác định rõ vai trò của ĐH Huế, tập trung chiến lược, định hướng, điều tiết, làm sao để các đơn vị đều thấy trong mái nhà chung ĐH Huế vừa có quyền lợi và gắn với trách nhiệm”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐH Huế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nhưng cần phát triển theo cơ cấu hợp lý. Cần rà soát lại cơ cấu ngành nghề đào tạo và quy hoạch những ngành nghề mũi nhọn mà xã hội cần, tránh dàn trải, đồng thời cần tăng cường kiểm định. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho nghiên cứu gắn với đào tạo...

Bài, ảnh: Hữu Phúc