Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, với những diễn biến khó lường khiến nhiều biện pháp hỗ trợ, duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội… không được như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn cao điểm của đại dịch vẫn hoạt động bình thường nhưng đến giai đoạn dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát thì mới gặp khó khăn, do không nhận được đơn đặt hàng từ các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch… Tính đến nay, đã có hơn 30 ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng, kéo theo hàng triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm, ảnh hưởng đến sinh kế.

Khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chỉ mới một phần. Các lĩnh vực khác về du lịch, dịch vụ, xây dựng, giao thông… nói chung cũng chịu thiệt hại không kém. Những thiệt hại này đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế; trong đó, có một số địa phương tăng trưởng âm trên 10% như Quảng Nam, Khánh Hòa… trong 6 tháng đầu năm nay. Nhiều tỉnh, thành khác tuy duy trì được mức tăng trưởng, nhưng vẫn rất thấp; riêng ở Thừa Thiên Huế chỉ tăng 0,38% so với cùng kỳ.

Cả nước, tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, mức thấp nhất 10 năm qua, nhưng vẫn là mức cao của thế giới. Từ những tiềm năng, lợi thế hiện có, nhất là thành công trong phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng mức cao nhất có thể, phấn đấu đạt 4% cho cả năm.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và chống thất nghiệp…

Cái khó nhất hiện nay là nền kinh tế Việt Nam đang trong hội nhập, gắn kết với nhiều quốc gia; khi tình hình dịch bệnh ở một số nước vẫn chưa được kiểm soát, với nhiều biện pháp đóng cửa biên giới, cách ly xã hội… sẽ ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà bi quan. Hiện nay, nhiều nước đã thử nghiệm thành công vaccin phòng chống virus Corona, cùng nhiều biện pháp quyết liệt của các chính phủ, chắc chắn dịch COVID-19 sẽ được thanh toán trong thời gian tới và nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi trở lại.

Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần có những giải pháp để tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn; nhất là phải làm tốt công tác tư tưởng nhằm có sự sẻ chia, đồng hành của người lao động với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động; tiếp tục thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư; đồng thời, tích cực giải ngân vốn đầu tư công, nhằm vừa đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, vừa góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho một bộ phận lao động tại các công trình, dự án này.

Đặng Thành