Một lần đến chợ An Truyền, xã Phú An để thưởng thức món bánh xèo cá kình độc đáo riêng có của vùng quê ven biển Phú Vang, chúng tôi nhận thấy bên cạnh các quán bánh xèo còn có xe nước mía phục vụ giải khát cho khách đến ăn bánh. Đó cũng là sự phối hợp hợp lý. Chúng tôi gọi mỗi người 1 ly nước mía, đáng nói là chủ quán đã sử dụng ly nhựa dùng một lần để phục vụ khiến ai cũng cảm thấy khó chịu.

Diện tích chợ An Truyền không lớn, có 3 xe nước mía phối hợp với khoảng 10 quán bánh xèo. Lượng khách đến ăn uống khá đông, chưa tính số lượng nước mía khách mua về thì bình quân mỗi quán có từ 50 đến 100 khách/ngày. Tính ra, số lượng ly nhựa thải ra môi trường mỗi ngày là hàng trăm chiếc...

Chủ quán trả lời khi chúng tôi hỏi thăm: “Dùng ly nhựa rồi vứt luôn cho tiện, bày ra rửa ly tách ở chợ thêm phiền hà... ”.

Trả lời xong, chị lại tiếp tục đổ nước mía vào ly nhựa bán cho khách, chứ không có ý định nghe góp ý. Thảo luận về vấn đề này, đa số chúng tôi không phủ nhận ý kiến của chủ quán, nhưng rõ ràng chị không mảy may quan tâm đến môi trường, dù tác hại của rác thải độc hại như ly nhựa sử dụng một lần đã được khuyến cáo. Thực trạng này cũng đang còn tồn tại ở nhiều khu chợ, quán giải khát khác. Cùng với sử dụng ly nhựa, tình trạng sử dụng túi ni-lông vẫn còn phổ biến.

Trong lúc các cấp chính quyền và nhiều tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, hành động để hạn chế rác thải nhựa; không ít người tự nguyện nhặt rác trên các tuyến đường, dòng sông, bãi biển… để cứu môi trường thì vẫn có nhiều người vì tiện lợi trước mắt mà không quan tâm đến môi trường… Luật bảo vệ môi trường đã có hiệu lực.

HƯƠNG LAN