Không gian “cà phê bàn tròn” là nơi mọi người có thể chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm

Ngày thứ 7 cuối tuần đầu tiên của tháng 7, bên dòng sông Hương chảy qua Vỹ Dạ, một cuộc trò chuyện về chủ đề dịch thuật đã được khởi xướng bởi một nhóm những người tâm huyết, muốn lan tỏa, chia sẻ những vấn đề mà nhiều người quan tâm. Mọi người đùa rằng đây là cuộc “cà phê chém gió”, nhưng sự "chém gió" ấy đã cung cấp cho những ai quan tâm rất nhiều thông tin mới mẻ, bổ ích bởi một người dẫn dắt câu chuyện.

Hôm đó, dịch giả Hồ Đắc Túc – một người con của Huế đã chia sẻ về hành trình đến với dịch thuật, niềm đam mê và cái mà ông gọi “cô đơn” trong theo đuổi công việc của bản thân. Ở đó, góc nhìn chuyên môn, những gian khó cũng như những gợi mở, động viên cho người trẻ được dịch giả chia sẻ một cách khoa học nhưng dễ hiểu và chân thành.

Người nghe đã có tuổi, trẻ tuổi, đã đi làm hay còn đi học đều có thể đặt câu hỏi, nêu quan điểm cá nhân và thậm chí mổ xẻ, phản biện lại vấn đề mà dịch giả đưa ra. Tất cả đi đến tận cùng quan điểm để tìm được một “tiếng nói” chung. Khi ra về, ai cũng nở nụ cười tươi bởi một buổi sáng vô cùng thú vị, được thu nạp rất nhiều kiến thức mới và không quên sẽ hẹn gặp vào một ngày cuối tuần khác, với một chủ đề mới lạ, hấp dẫn.

Không phải bây giờ mới có những không gian trò chuyện như thế. Từ nhiều năm về trước, các cuộc bàn tròn của nhiều nhóm khác nhau nhưng không cố định thời gian, không gian nên còn khá rời rạc, vì thế dù có nhiều người quan tâm nhưng vẫn chưa có sự liên kết và thường xuyên. Cho đến thời gian gần đây, “cà phê bàn tròn” cuối tuần mới được những người tâm huyết khởi xướng trở lại. Anh Võ Ca Dao – một người Huế từng trải qua nhiều công việc từ báo chí, xuất bản, dịch thuật ở TP. Hồ Chí Minh sau nhiều năm trở về cố hương với rất nhiều dự án cá nhân nhưng vẫn dành thời gian để khuấy động đời sống văn hóa, trí thức, sáng tạo với chương trình gặp gỡ, trong đó mong muốn đem đến một nhịp sống năng động hơn cho những người đam mê, trong đó tập trung đến giới trẻ thích sáng tạo.

“Tại sao không?” – đó là câu hỏi gợi mở trong suy nghĩ của anh Dao từ bấy lâu nay trước khi tổ chức buổi trò chuyện vào ngày thứ 7 cuối tuần. Anh bảo rằng, ở TP. Hồ Chí Minh, có chương trình cà phê thứ 7 do nhạc sĩ Dương Thụ sáng lập đã trở thành một sân chơi thu hút rất nhiều nhà văn hóa, trí thức và nghệ sĩ, bạn trẻ quan tâm. Và rồi, anh quyết định làm một điều gì đó, vừa vui, vừa thu hút mọi người quan tâm với tinh thần mở, mang tính thực hành.

Không chỉ bắt đầu bằng buổi nói chuyện về dịch thuật, các lĩnh vực khác của “cà phê bàn tròn” cuối tuần như văn học, trao đổi văn hóa đọc, phim ảnh… sẽ lần chủ đề lần lượt được các khách mời trò chuyện vào các ngày thứ 7 cuối tuần trong thời gian tới. Dù ở chủ đề nào, những người tổ chức mong muốn hướng đến một môi trường trao đổi, giao lưu, chia sẻ mối quan tâm của tất cả mọi người, từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu hay các bạn trẻ. Từ đó, mọi người có thể đối thoại và bình luận. Và anh Dao đang lên ý tưởng sẽ đưa “cà phê bàn tròn” trở thành một cuộc gặp định kỳ vào thứ 7 đầu tiên của tháng, nếu duy trì tốt sẽ tổ chức một tháng 2 lần.

TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế - một trong những người thường xuyên tổ chức, tham gia các sự kiện như thế cho rằng, đó là việc cần thiết và cần có một người “thủ lĩnh” để duy trì hoạt động này. TS. Hằng cho rằng, chỉ cần một không gian thoáng, mở để mọi người có thể ngồi lại với nhau, cùng trò chuyện một vấn đề, lĩnh vực mà tất cả quan tâm. Không cần cao sang, phòng lớn, chỉ cần mỗi người đến với “cà phê bàn tròn” cuối tuần có đủ đam mê, mong muốn được tìm hiểu và sống trong tinh thần giao lưu, trao đổi những gì mình cần, và thiếu. Việc tổ chức những cuộc trò chuyện như thế còn là cách để giới chuyên gia, nghiên cứu “tiếp lửa” cho các thế hệ đi sau, giúp họ hiểu thêm người trẻ đang nghĩ gì, cần gì giữa cuộc sống xô bồ, hiện đại.

Chưa biết “cà phê bàn tròn” cuối tuần rồi sẽ đi về đâu. Nhưng những gì đang diễn ra không khiến những người yêu văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh… thôi hy vọng về sân chơi luôn mang lại những giá trị mà không phải có tiền có thể mua được.

Bài, ảnh: NHẬT MINH