Đầu tư vào kết nối của Facebook mang lại nhiều lợi ích cho ASEAN. Ảnh minh họa: VTV News

Phần lớn giá trị kinh tế được tạo ra thông qua các khoản đầu tư của Facebook vào cáp ngầm, đường biên mạng, và mạng lưới giao thông mở cung cấp mạng fiber-backhaul. Các chương trình này sẽ cải thiện chất lượng của mạng lưới truy cập và thúc đẩy cung cấp dịch vụ, giúp các nhà khai thác mạng mở rộng vùng phủ sóng, cải thiện hiệu suất và giảm chi phí.

Về từng hạng mục, đối với đầu tư cáp ngầm, các khoản đầu tư của Facebook sẽ thúc đẩy việc cung cấp đường truyền quốc tế, giảm chi phí cho các nhà cung cấp dịch vụ internet, từ đó tăng lưu lượng kết nối nhiều hơn.

Hiện nay, tại Đông Nam Á, Facebook đã đầu tư vào cáp APG và tuyến cáp quang biển quốc tế SJC-2 (South East Asia Japan Cable 2), cũng như đang lên kế hoạch đầu tư vào 3 tuyến cáp quang xuyên Thái Bình Dương sẽ triển khai trong vài năm tới.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng đường biên mạng của Facebook sẽ phát triển kinh tế khu vực ASEAN bằng cách cho phép các nhà khai thác truy cập nội dung của Facebook tại các điểm gần với mạng kết nối của họ. Điều này sẽ giúp giảm cước phí vận tải cho các nhà khai thác, cùng lúc tăng trải nghiệm của người dùng... Trên khắp các quốc gia Đông Nam Á, đầu tư của Facebook vào đường biên mạng và năng lực quốc tế sẽ cho phép lưu lượng truy cập mạng tăng đến 9%.

Trong một thông tin có liên quan, ông Robert Pepper – Giám đốc Khối Kế hoạch và Chính sách kết nối toàn cầu của Facebook nhận định, tầm quan trọng của kết nối internet đáng tin cậy, giá cả phải chăng đã và đang trở nên ngày càng rõ ràng hơn khi mọi người thích nghi với lối sống mới trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn đến 3,5 tỷ người trên toàn cầu chưa kết nối với internet. Giảm khoảng cách kỹ thuật số là rất cần thiết để đảm bảo quyền truy cập thông tin, tiếp cận giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do đó, trong nhiều năm qua, Facebook đã và đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác để giải quyết rào cản đối với vấn đề kết nối. Nếu các chương trình của Facebook hoạt động hiệu quả, ước tính sẽ tạo ra hơn 200 tỷ USD tăng trưởng kinh tế cho cả 3 khu vực là châu Phi cận Sahara, Đông Nam Á và Mỹ Latinh trong vòng 5 năm tới.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Khmer Times)