Ngư dân Phú Thuận kiểm tra lưới cụ sau chuyến ĐBXB
Thiện chí trả nợ
Ngư dân Nguyễn Giáp ở thị trấn Thuận An tâm sự, gia đình ông cũng như nhiều ngư dân thật sự thỏa mãn khát vọng vươn khơi, bám biển khi được Nhà nước tạo điều kiện cho vay nguồn vốn lớn đóng mới tàu công suất lớn. Đây không chỉ là cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế gia đình mà còn chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ông Giáp thừa nhận, tuy đánh bắt hiệu quả nhưng gia đình ông và nhiều ngư dân chủ quan, không lo trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu là điều đáng tiếc.
Ông Giáp cho rằng, ngoài chủ quan, một phần do thu nhập bấp bênh nên kế hoạch trả nợ ngân hàng không đảm bảo. Theo quy định của ngân hàng thì đều đặn hàng tháng, ngư dân phải trả nợ gốc, lãi đúng hạn. Trong khi đó, mỗi năm chỉ đánh bắt trong vòng 9-10 tháng, còn lại mùa biển động, mưa rét không thể vươn khơi.
Ông Trần Phi ở thị trấn Thuận An chia sẻ, trong số 9-10 tháng tàu hoạt động, bình quân mỗi tháng 1-2 chuyến đánh bắt nhưng không phải chuyến nào cũng có lãi, hoặc thậm chí lãi cao. Phần lớn các chuyến biển thường cho thu nhập 100-200 triệu đồng, trừ các khoản xăng dầu, trả công bạn thuyền, các chi phí nhiên liệu khác…, chủ tàu lãi chừng 50 triệu đến hơn 100 triệu đồng. Trong khi, nợ vay đóng tàu 5-7 tỷ đồng (vỏ gỗ), bình quân mỗi tháng phải trả nợ gốc và lãi từ 70-100 triệu đồng. Những chuyến đánh bắt hiệu quả, việc trả nợ đúng kỳ hạn là tất yếu, còn không có lãi thì việc trả không đúng quy định, nguy cơ nợ chồng chất rất cao.
Ông Phi, ông Giáp cũng như nhiều ngư dân đóng tàu theo NĐ67 đều ý thức rằng, việc trả nợ là trách nhiệm của ngư dân, buộc phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Sau khi các ngân hàng triệu tập làm việc để “gỡ nợ”, các ngư dân đều cam kết sẽ trả nợ đúng quy định, tránh bị khởi kiện. Tuy nhiên, nguyện vọng của hầu hết ngư dân, mong được các ngân hàng chấp thuận, tạo điều kiện trả lãi hàng tháng theo quy định; riêng nợ gốc có thể trả theo mức thu nhập tùy thuộc vào mỗi chuyến biển. Chuyến biển/tháng nào đánh bắt lãi cao sẽ trả nợ gốc càng cao, chuyến nào lãi thấp thì trả ít lại. Đây là cơ hội được cho là tối ưu nhất, tạo thuận lợi cho ngư dân trả nợ ngân hàng.
Gỡ nợ
3 chủ tàu thuộc diện nợ xấu từ tháng 3/2018, đến nay đã có 16 chủ tàu (đều vay tại BIDV Thừa Thiên Huế) chuyển sang nợ xấu với dư nợ xấu 118,6 tỷ đồng. Tại Agribank Thừa Thiên Huế mới đây phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 17 chủ tàu với dư nợ được cơ cấu là 121,1 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ cơ cấu và nợ xấu đối với tàu đóng mới theo NĐ67 trên địa bàn tỉnh hiện nay là 239,7 tỷ đồng, chiếm 83,8% dư nợ cho vay theo NĐ67. Ngoài ra, 2 tàu đã bị ngân hàng khởi kiện là tàu của ông Trần Dành và tàu ông La Văn Thoạn đều ở thị trấn Thuận An. |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang thông tin, thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương, triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ khi vay vốn đóng tàu theo NĐ67 đến tận các hộ ngư dân. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chấp hành trả nợ ngân hàng theo đúng quy định, tránh xảy ra tình trạng khởi kiện, thu hồi tàu. Qua nắm bắt thông tin, tư tưởng, hầu hết các ngư dân đã ý thức hơn khi cam kết sẽ trả nợ đúng theo quy định của ngân hàng.
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thừa Thiên Huế thông tin, toàn tỉnh có 41 tàu đóng mới từ nguồn vốn vay theo NĐ67 tại 2 ngân hàng thương mại với tổng vốn là 304,5 tỷ đồng, đến nay, dư nợ gần 286 tỷ đồng. Sau hai tháng triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động và khởi kiện 2 tàu, ý thức trả nợ của người dân bước đầu có chuyển biến; tuy nhiên số nợ được thu hồi trong thời gian qua chưa cải thiện đáng kể, do người dân cần có thêm thời gian để tích lũy vốn, trả nợ.
Về phương án thu hồi nợ lâu dài, các ngân hàng cơ bản thống nhất quan điểm, các đề xuất, nguyện vọng của ngư dân về việc trả nợ gốc theo mức thu nhập của mỗi tháng/chuyến biển. Đây có thể là điều kiện, cơ hội tốt nhất để ngư dân trả nợ ngân hàng, tuy nhiên yêu cầu bà con phải trung thực khai báo sản lượng, thu nhập, chấp hành đúng quy định. Các ngân hàng tăng cường thu hồi nợ đối với tàu hậu cần khi tàu còn thu mua để bù đắp cho thời gian ngừng hoạt động.
Trước mắt, các ngân hàng đã làm việc với Kho bạc Nhà nước và các địa phương liên quan, chuyển tiền hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước vào tài khoản của khách hàng tại ngân hàng cho vay để trừ nợ lãi. Các ngân hàng tiếp tục phối hợp với các địa phương, ban ngành theo dõi các hoạt động khai thác của ngư dân, nắm bắt thông tin sản lượng, giá cả, thu nhập để ngân hàng có biện pháp quản lý, thu hồi nợ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân có trách nhiệm trả nợ đúng quy định của Nhà nước. Đối với các chủ tàu cố tình không chấp hành trả nợ và đã sử dụng các biện pháp theo quy định sẽ buộc phải khởi kiện.
Cơ hội gỡ nợ mới hiện nay đối với các ngân hàng khi nhiều ngư dân có điều kiện, đảm bảo đánh bắt hiệu quả đã chấp nhận nhận nợ từ các chủ tàu vay vốn theo NĐ67 để vươn khơi trong lúc không có điều kiện đóng mới. Ông Trần Văn Hải, Chi hội trưởng Chi hội Dịch vụ hậu cần nghề cá Thuận An khẳng định, hiện nay ngoài nhiều ngư dân có nhu cầu nhận tàu nợ ngân hàng, riêng ông sẽ nhận 2 tàu sau khi ngân hàng hoàn tất các thủ tục thu hồi, định giá hợp lý.
Bài, ảnh: Hoàng Triều